Chứng khoán, sản xuất giảm mạnh, trong khi vàng, trái phiếu liên tục tăng, kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từng đến đến rất gần, giờ lại dường như ngày càng xa vời.
Mới hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc dường như đã đến rất gần việc giải quyết những bất đồng thương mại. Nhưng sau đó, nó sụp đổ hoàn toàn.
Thỏa thuận “đình chiến” đạt được giữa Tổng thổng Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 cũng bị phá vỡ.
Tổng thống Mỹ thông báo mức thuế mới áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng 9. (Ảnh: Reuters) |
Người ta giờ đây không còn mong chờ một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 khi liên tiếp các đòn đáp trả lẫn nhau được tung ra hồi đầu tháng.
"Chúng tôi dự đoán mức thuế nhắm vào 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc sẽ có hiệu lực", Goldman Sachs Group cho biết trong một lưu ý gửi cho khách hàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 1/8 rằng ông sẽ áp thuế 10% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc từ ngày 1/9, khiến Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Mỹ cũng tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, trong khi Bắc Kinh phủ nhận rằng họ đã thao túng đồng nhân dân tệ để kiếm lợi.
Tại Mỹ, rủi ro suy thoái "cao hơn nhiều so với mức cần thiết và cao hơn so với hai tháng trước". Đây là nhận định của Lawrence Summers - Cựu thư ký Bộ Tài chính và cố vấn kinh tế của Nhà Trắng. "Chơi với lửa thì có ngày bỏng tay", ông nói và dự báo khả năng Mỹ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới ít hơn 50/50.
Goldman Sachs cho biết họ hạ dự báo tăng trưởng quý IV của Mỹ, xuống 1,8% khi những diễn biến trong căng thẳng thương mại có tác động lớn hơn.
Chi phí đầu vào tăng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khiến các công ty Mỹ giảm hoạt động trong nước, bản lưu ý cho biết. Các nhà kinh tế nói thêm, sự không chắc chắn về chính sách như vậy cũng có thể khiến các công ty hạ thấp chi tiêu đầu tư của họ.
Sản xuất công nghiệp của Đức tháng 6 giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Điều này phản ánh mức độ nghiêm trọng của sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tại châu Á - Thái Bình Dương, các ngân hàng trung ương của New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đã bất ngờ cắt giảm lãi suất để cố gắng bảo vệ nền kinh tế khỏi bất lợi.
Điều đáng lo ngại là nếu các thỏa thuận "ngừng bắn" không sớm được thiết lập thì thị trường sẽ nối đà trượt dốc gần đây. Các công ty sẽ giảm đầu tư, suy yếu trong sản xuất sẽ lan sang dịch vụ. Sau đó, thị trường việc làm vốn đang vững chắc sẽ rạn nứt và người tiêu dùng sẽ nản lòng.
Mặc dù các ngân hàng trung ương có thể sẽ cắt giảm lãi suất và tiếp tục nới lỏng định lượng, nhưng điều đó có thể không còn đủ để vực dậy tinh thần. Các chính phủ có thể không đủ nhanh để nới lỏng chính sách tài khóa.
"Vì không có dấu hiệu kết thúc nên dự báo tăng trưởng Mỹ và toàn cầu sẽ vẫn tiêu cực. Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bao gồm cuộc chiến tiền tệ rõ ràng hơn, thì sự không chắc chắn sẽ tăng. Các điều kiện tài chính cũng bị thắt chặt", các chuyên gia kinh tế của Bank of America cảnh báo.
(Nguồn: Reuters)
Ngày đăng: 08:37 | 12/08/2019
/ vtc.vn