Tháng 9-2024, cơn cuồng phong mang tên Yagi (bão số 3, theo cách gọi tại Việt Nam) để lại hậu quả nặng nề cho khu vực miền Bắc Việt Nam, nhưng cũng thúc đẩy sự hình thành một nhận thức mới, thực tế hơn, về biến đổi khí hậu nói chung và hậu quả của quá trình này, trong hiện tại và tương lai.
Đã có những nhận xét nhấn mạnh về hiện tượng dị thường xung quanh sự hình thành, đường đi, quá trình tăng cấp được coi là “thần tốc” khi vào Biển Đông, diện ảnh hưởng của cơn bão này - sau khi gây thiệt hại nặng nề cho Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, đã “hồi sinh” và tràn vào Ấn Độ.
Những ngày này, cách Hà Nội hàng chục giờ bay, mưa xối xả “trăm năm khó gặp” đang tạo ra những vùng ngập trắng ở Cộng hòa Séc, Rumani, Ba Lan, Áo... khiến cây đổ, cầu trôi, vỡ đập...
Cuối tháng 6-2024, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nước Mỹ có mưa lớn khiến các vùng Iowa, Nebraska, Minnesota, South Dakota bị ngập nặng, nước sông dâng cao khiến hàng trăm người phải đi sơ tán, có cả thiệt hại về người và của.
Cuối tháng 8-2024, hàng triệu người Nhật Bản đã được yêu cầu đi sơ tán, nhiều chuyến bay bị hủy, hoạt động của ngành đường sắt đình trệ khi bão Shanshan, với sức gió lên tới 252km/h, mạnh nhất trong vòng 60 năm qua, đổ bộ vào đảo Kyushu của quốc gia này.
Giữa tháng 9-2024, gió Yagi đã ngớt, hậu quả còn đang được khắc phục thì có tin về “cơn bão Bebinca mạnh nhất kể từ năm 1949" đổ bộ vào Thượng Hải - Trung Quốc. Cùng lúc đó là dự báo về khả năng hình thành cơn bão số 4 trên Biển Đông với sự thận trọng của giới quan sát...
Cách nay đúng 1 năm, tại Greenland, đảo lớn nhất thế giới với diện tích hơn 2 triệu km2, một trận lở đất khổng lồ đã kích hoạt sóng thần, gây ra hiện tượng mà báo chí mô tả là “khiến trái đất run rẩy trong suốt 9 ngày”...
Bão, lũ lụt, sóng thần, hạn hán..., ở xa tít bên kia bán cầu hoặc gần ngay khu vực châu Á, Đông Nam Á, là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại. Tại Việt Nam, hết lần này đến lần khác, năm này qua năm khác chúng ta phải đối diện với nguy cơ xuất hiện những trận lũ quét kinh hoàng, những cơn cuồng phong ngày càng lộ ra vẻ dị thường, những cơn hạn hán khiến đất đai nứt nẻ, sau đó hối hả khắc phục hậu quả mà tự nhiên đem lại. Năm nay, “qua Ngâu”, mùa bão chưa dứt ở miền Bắc, đất đai còn no nước, nước sông khó rút ngay nếu thượng nguồn có mưa lớn do ảnh hưởng của trận bão/ áp thấp nhiệt đới tiếp theo, lại đã phải lo tính đến chuyện bão lũ dịch vào miền Trung, rồi Nam Trung Bộ. Sự chờ đợi trong âu lo bởi bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S, bất kể là ở Bắc, Trung hay Nam, chịu thêm thiên tai là đời sống nhân dân cả nước thêm khó khăn.
Vòng lặp thiên tai đặt ra yêu cầu tìm cách thoát ra. Thoát ra, là bởi giờ đây bão, lũ lụt, hạn hán vẫn còn ở mức mà con người có thể gắng sức chịu đựng, vượt qua. Băng tan, nước biển dâng, hiệu ứng nhà kính khiến địa cầu nóng lên nhưng trái đất vẫn còn chỗ khô ráo cho con người tạm cư. Tầng ozone đã bị thủng, thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm không khí, nhưng mức độ phục hồi khá khả quan nhờ nỗ lực của toàn thế giới, trong đó có Chính phủ Việt Nam... Nếu không có giải pháp khả thi và quyết tâm làm chậm lại những quá trình nói trên, một ngày nào đó thế giới có thể không còn đủ khả năng vượt qua thảm họa tự nhiên mang tính đột biến, ngoài khả năng dự báo của con người.
Chúng ta sẽ thoát ra được không khi còn nhiều người chưa thực sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, chưa nhận thức rõ về trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ và trồng rừng, sử dụng vật liệu, đồ dùng thân thiện với môi trường, nâng niu sự toàn vẹn của sông hồ thay vì lấn chiếm...
Bão Yagi và hậu quả từ đó sẽ bớt đi bộ mặt gớm ghiếc nếu con người tìm ra từ đau thương mà nó gây ra bài học trách nhiệm thực sự có ích. Có những vấn đề xa tầm tay, nhưng có nhiều việc cần làm nằm trong khả năng của mỗi cá nhân, miễn là có trách nhiệm, hiểu vấn đề là có thể tham góp, tạo ra tác động tích cực. Có thể hóng tin về sự thật/giả từ một tấm ảnh cô giáo vùng cao, tranh luận về sự nhiều/ ít khi làm thiện nguyện..., nhưng đừng quên tắt dù chỉ là một bóng đèn khi không cần đến, đừng quên “tẩy chay” túi nilon, đừng quét đất xuống cống, đừng quên luật về giao thông để hạn chế nạn tắc đường... Đó chỉ là một vài trong số hàng ngàn việc nhỏ bé đáng làm mà nhiều người trong chúng ta đã quên chỉ bởi chưa hiểu về biến đổi khí hậu và tác hại từ đó, hoặc chưa bị ảnh hưởng trực tiếp từ mưa bão lũ lụt hạn hán đủ để “tỉnh ra”.
Từ Yagi, mong một sự thay đổi thật sự ở mọi nơi, mọi người chứ không chỉ là quyết sách ở tầm quốc gia, thế giới.
Ngày đăng: 07:49 | 20/09/2024
Hoàng Lê / HNM.com.vn