Trong trang phục áo dài khăn đóng, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế là người chủ trì lễ tế đàn Xã Tắc.
3h sáng 27/3 (ngày 11/2 âm lịch), chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử hành nghi lễ tế đàn Xã Tắc, một trong những lễ tế của triều Nguyễn xưa nhằm cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ông Nguyễn Dung thực hiện lễ hiến tước (dâng rượu). Ảnh: Võ Thạnh. |
Ông Nguyễn Dung - Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài màu vàng, khăn đóng đã đại diện cho chính quyền địa phương chủ trì lễ tế.
Lễ tế đàn Xã Tắc diễn ra gần một giờ với các nghi thức như quán tẩy (rửa tay tẩy trần), lễ thượng hương (dâng hương), lễ nghinh trần (rước thần đến dự), lễ điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), lễ truyền chúc (đọc chúc văn), lễ hiến tước (dâng rượu), lễ phú tộ (hưởng lộc), lễ triệt soạn (hạ cỗ), lễ tống thần (đưa tiễn thần) và lễ tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).
Lễ vật phải có đủ tam sanh gồm trâu, dê và lợn. Ảnh: Võ Thạnh. |
Sau lễ tế, nhiều người dân địa phương đã dâng hương lên hương án đặt giữa đàn cầu may mắn, an lành.
Theo ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, Lễ tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ cung đình quan trọng xếp vào hàng Đại tự. Những người tổ chức mong muốn tái hiện đúng nghi thức quan trọng của người xưa để cho các thế hệ đương đại có thể hiểu được một trong những cách thức cha ông thể hiện khát vọng hòa hợp, chung sống với thiên nhiên.
"Lễ tế đề cao những giá trị nhân văn, tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà. Điểm mới năm nay là có thêm đội múa Bát dật với trang phục được phục dựng nguyên bản như trước", ông nói.
Lễ tế Xã tắc được Huế tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008, từ đó đến nay, Lễ tế được tổ chức hàng năm vào dịp xuân với tính chất là một nghi lễ cung đình.
Theo sử sách ghi chép, đàn Xã Tắc nằm ở phường Thuận Hòa (TP Huế) được xây vào tháng 4/1806 dưới thời vua Gia Long để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây đàn, triều đình nhà Nguyễn huy động dinh trấn cả nước cống nạp đất sạch để đắp.
Võ Thạnh
Ngôi cổ tự với bức tranh tường 9 con rồng lớn nhất Việt Nam
Chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi quốc tự dưới triều Nguyễn còn lại trên đất Huế. Trên trần chính điện ngôi chùa còn ... |
Khu lăng mộ chung của 3 vị vua triều Nguyễn
An Lăng là nơi an táng vua Dục Ðức, vị vua thứ 5 triều đại nhà Nguyễn. Thi hài vua Thành Thái và vua Duy ... |
Ngày đăng: 13:53 | 27/03/2018
/ VnExpress