Nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau không thực hiện đúng các quy định, "xé nhỏ" lớp học làm tăng hơn 1.000 giáo viên khiến ngân sách gặp khó.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Đoàn Quốc Khởi thừa nhận ngân sách địa phương bị áp lực lớn chi cho sự nghiệp giáo dục những năm qua. Ảnh: Phúc Hưng. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp chiều 1/6, để thông tin việc liên quan đến biên chế và kinh phí ngành giáo dục của tỉnh.
Hồi giữa tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cùng các ngành chức năng đã báo cáo đến Chủ tịch tỉnh tình hình thiếu kinh phí mua sắm, sửa chữa trường lớp, giáo viên thừa, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau sau đó chỉ đạo, đối với 264 giáo viên do các địa phương hợp đồng trong năm học 2016-2017 và 2017-2018 chưa có sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh phải chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 1/7.
Ngoài ra, các điểm trường lẻ cũng được tính toán xóa bỏ bớt, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang chỗ thiếu, cho nghỉ chính sách với số giáo viên, lao động dôi dư, sắp xếp lại trường lớp...
Ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho biết, ngân sách địa phương bị áp lực khi phân bổ kinh phí cho sự nghiệp giáo dục các năm qua. Bởi ngân sách của tỉnh còn hưởng cân đối trợ cấp từ trung ương, địa phương chỉ cân đối được trên dưới 50%.
Theo quy định chung, ngân sách sẽ dành khoảng 20% để chi cho ngành giáo dục, nhưng Cà Mau trong những năm qua chỉ tập chung chi cho con người (chi trả cho đội ngũ giáo viên), nên không còn kinh phí để sửa chữa trường lớp.
Thống kê sơ bộ, năm 2015 tỷ lệ chi cho giáo dục chiếm 41% trong tổng chi thường xuyên, cao hơn mức trung ương giao 113 tỷ đồng; năm 2016 chiếm 40%, cao hơn mức giao 72 tỷ đồng; năm 2017 tỷ lệ chiếm 37%, cao hơn 87 tỷ đồng mức giao…
"Năm nay dự toán ngân sách phải chi cho giáo dục cao hơn số trung ương giao là 221 tỷ đồng", ông Khởi nói và cho biết, con số này được tính theo tỷ lệ 82% chi cho con người (chi trả lương), và 18 % chi cho hoạt động.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp Tiểu học là 35 học sinh một lớp; cấp THCS và THPT là 45 học sinh trên mỗi lớp... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài chính Cà Mau, thời gian qua các địa phương không thực hiện nghiêm túc quy định, có tình trạng "xé nhỏ" lớp học làm tăng giáo viên qua các năm qua.
Định mức giáo viên do Bộ quy định, Cà Mau chỉ cần gần 12.000 giáo viên. Nhưng thực tế địa phương hiện có hơn 13.000 giáo viên, thừa trên 1.000 giáo viên.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh đã thống nhất sắp tới sẽ mời bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố, cùng cán bộ thường vụ phụ trách các địa phương đến triển khai nhiệm vụ, thực hiện việc rà soát số giáo viên, học sinh để có sự sắp xếp lại, nhằm tinh gọn bộ máy. "Các điểm trường lẻ cũng được kiểm tra xem nơi nào nên để, chỗ nào cần phải xóa bỏ", ông Hải nói.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng cương quyết, sau khi rà soát, sắp xếp lại, địa phương nào còn bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, thừa giáo viên thì người đứng đầu huyện, thành phố đó sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Riêng đối với lượng giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, sẽ được cơ quan chức năng giải quyết bố trí việc làm mới, thông qua: xem xét bố trí việc làm khác trong ngành giáo dục; hay theo chương trình xuất khẩu lao động; hoặc đào tạo lại để bổ sung cho ngành học mầm non, hiện thiếu hơn 400 giáo viên.
500 giáo viên Đắk Lắk có nguy cơ mất việc: “Sợi dây kinh nghiệm” dài đến đâu?
Việc đột ngột chấm dứt hợp đồng do dôi dư khiến giáo viên (GV) phản ứng dữ dội là chuyện không hề mới. Thế nhưng, ... |
Hàng trăm giáo viên Đắk Lắk mất việc phải làm đủ nghề để sống
Hàng trăm giáo viên ngỡ ngàng khi bị chấm dứt hợp đồng. Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, ... |
Nghệ An thừa 1.400 giáo viên
Sở Giáo dục đang rà soát để cắt giảm giáo viên, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh những năm tiếp theo không ký thêm ... |
Ngày đăng: 15:03 | 02/06/2018
/ VnExpress