Trong bài phát biểu ở Munich (Đức) hôm 18-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ không cho phép Iran gây nguy hiểm cho đất nước của ông và cảnh báo sẽ có hành động trực tiếp chống Iran nếu cần thiết.
Trong bối cảnh vai trò quân sự của Iran ở Syria và Yemen ngày càng lớn và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường những động thái chống Iran, phía Israel cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với những nỗ lực đối phó Iran – quốc gia mà họ xem là "địch thủ" ở khu vực.
Khi phát biểu tại Hội nghị An ninh thường niên Munich hôm 18-2, ông Netanyahu vừa cầm một mảnh kim loại mà ông cho là mảnh vỡ của một máy bay không người lái của Iran trong tay vừa tuyên bố: "Israel sẽ không cho phép Iran gây nguy hiểm đe dọa" đến đất nước ông và sẽ có hành động trực tiếp chống Iran nếu cần thiết.
Ông Netanyahu giơ cao mảnh vỡ của máy bay không người lái Iran do Israel bắn hạ khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18-2. Ảnh: Guardian |
Tại buổi hội nghị thường niên với sự tham dự của các quan chức quốc phòng, an ninh và ngoại giao của Mỹ các nước châu Âu, Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng cảnh báo các đồng minh về việc phải khẩn trương lên phương án đối phó với Iran. Ông đã cho hội nghị xem một bản đồ thể hiện cái mà ông gọi là "sự hiện diện ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, người cũng có mặt tại hội nghị, đã gọi bài thuyết trình của ông Netanyahu là "một gánh xiếc hoạt hình không đáng được hưởng ứng". Ông Zarif còn cáo buộc Washington lợi dụng hội nghị để kích động tâm lý chống Iran, đồng thời phủ nhận việc Tehran đang tìm kiếm quyền bá chủ Trung Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu đáp trả Thủ tướng Israel Netanyahu tại hội nghị. Ảnh: EPA |
Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng trong lúc Liên minh chống IS ở Iraq và Syria do Mỹ đứng đầu đang giành lại lãnh thổ từ IS thì Iran đã chen chân vào.
"Điều không may là khi IS đang bị áp chế thì Iran lại nhảy vào và cố thiết lập đế chế của họ hòng bá chủ từ Trung Đông cho đến miền Nam và Yemen và xây dựng "cây cầu trên bộ" của họ nối từ Iran đến Iraq, Syria, Lebanon và dải Gaza. Đây là một động thái rất nguy hiểm trong khu vực" – ông Netanyahu khẳng định.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Israel là Lebanon, nơi phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah do Iran hậu thuẫn hiện cũng đang là một phần của chính phủ liên minh. Căng thẳng giữa Israel và Lebanon hiện nay đang ngày càng leo thang, nguyên nhân một phần do tranh chấp biên giới trên biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Lebanon Yacoub Riad Sarraf, người phát biểu sau ông Netanyahu cũng lên tiếng: "Hãy coi chừng, chúng tôi sẽ tự vệ…chúng tôi cũng có bạn bè".
Những lo ngại về cuộc chiến tranh mới trong khu vực bắt nguồn từ sự kiện hôm 10-2 khi hệ thống phòng không Syria bắn rơi một chiến đấu cơ Israel khi chiến đấu cơ này đang trên đường trở về sau khi không kích một căn cứ quân sự mà phía Israel cho là nơi đã phóng máy bay không người lái vào không phận nước này.
Tại hội nghị, Thủ tướng Netanyahu cũng lặp lại quan điểm được ông Trump ủng hộ rằng nhóm 6 cường quốc (P5+1) cần phải viết lại các thỏa thuận với Tehran năm 2015 nhằm dùng việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế để hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran.
Theo ông Netanyahu, thỏa thuận này cũng tương tự như Hiệp ước Munich 1938 mà các nước phương Tây đã ký với Adolf Hitler để ngăn chặn chiến tranh tại châu Âu. Ông phát biểu: "Đã đến lúc phải ngăn họ lại. Họ hiếu chiến, họ đang phát triển tên lửa đạn đạo, họ có cơ sở làm giàu khối lượng lớn uranium" .
Tuy nhiên, Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc và Mỹ cho rằng thỏa thuận hiện đang áp dụng là không thể đàm phán lại, thỏa thuận này vẫn đang có hiệu quả và Iran vẫn đang cho phép các cuộc thanh tra.
Theo nghị sĩ Aleksey Pushkov của Nga, việc loại bỏ thỏa thuận này giống như việc lựa chọn giữa chiến tranh và hoà bình. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã góp phần lớn vào việc ký kết thỏa thuận năm 2015, cho rằng việc đảm bảo cho thỏa thuận này tồn tại là "hết sức quan trọng".
"Chúng ta đều biết thế giới sẽ ra sao nếu không có thỏa thuận hạt nhân Iran. Chắc chắn sẽ không tốt chút nào" – ông Kerry nhận định. Theo ông Kerry, nếu Mỹ bãi bỏ thỏa thuận hiện tại thì họ sẽ không thể thuyết phục được Iran ký lại thỏa thuận mới.
Ông Kerry cũng bác bỏ lời khẳng định của ông Netanyahu rằng Iran sắp có vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm nữa. "Điều đó về cơ bản là không chính xác" – ông nói.
Ngoài những vấn đề khu vực, Thủ tướng Netanyahu cũng đề cập chuyên thăm Đức gần đây của ông bất chấp sự phẫn nộ ở chính đất nước ông sau khi cảnh sát cho hay vào tuần trước rằng họ đã có đủ bằng chứng để buộc ông tội hối lộ, gian lận và vi phạm tín nhiệm. Nhà lãnh đạo Israel đã giận dữ bác bỏ cáo buộc và lên án những động thái điều tra gay gắt quá mức của cảnh sát.
Ông Zarif – Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho rằng có thể ông Netanyahu đẩy cao căng thẳng với Iran tại hội nghị chẳng qua chỉ để đánh lạc hướng dư luận khỏi những "khủng hoảng nội bộ" của chính ông.
Bộ trưởng Israel: Không quân không thể bảo vệ đất nước Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Avigdor Lieberman, không thể dựa vào Không quân trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước mà vai trò quyết ... |
Nước sạch ở Trung Đông – chìa khóa hòa bình hay mầm mống chiến tranh? Mỹ đang dẫn đầu giải pháp mới mẻ giúp tháo gỡ cuộc xung đột Israel và Palestine trong nhiều năm qua bằng việc phân chia ... |
Ngày đăng: 16:37 | 19/02/2018
/ nld.com.vn