Cam kết "xắn tay" gỡ khó nhưng lãnh đạo Chính phủ vẫn yêu cầu ngành dầu khí có tư duy "tự cứu mình trước khi trời cứu".
Tại hội nghị tổng kết chiều 11/1, nhắc lại ‘dư âm’ những vụ án sai phạm của ngành dầu khí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành phải "đứng lên sau những khuyết điểm đã qua", trở lại là tập đoàn hùng cường của đất nước.
"Nhiều người cứ tưởng ngành dầu khí sẽ chấm dứt sau những vụ đại án nhưng không phải. Chúng ta không thành kiến sai phạm, không để ‘giậu đổ bìm leo’. Các đồng chí vấp nhưng không ngã", ông nhấn mạnh.
Nói tới những rủi ro trong tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ngày càng tăng khi phải khai thác ngày càng xa bờ, ở vùng nước sâu hơn, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, PVN phải cố gắng vượt qua. Thủ tướng cam kết "xắn tay áo" cùng tháo gỡ khó khăn với PVN. Các dự án còn tồn tại, chậm tiến độ như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ.
"Không thể để một đống tiền chất đống nằm đó, Thủ tướng sẽ xắn tay áo cùng các đồng chí giải quyết", ông nhấn mạnh.
Ở góc độ trực tiếp tham gia "giải cứu" ngành dầu khí hơn một năm qua trong vai trò Chủ tịch PVN, ông Phạm Sỹ Thanh cho rằng, các dự án trọng điểm của ngành dầu khí như khí lô B, Cá voi xanh nếu được khởi công trong năm nay, "chắc chắn 5 năm tới toàn bộ diện mạo công nghiệp khu vực Đông Nam bộ sẽ chuyển đổi căn bản". Chủ tịch PVN hứa "ngành dầu khí sẽ củng cố niềm tin, khát vọng, nối tiếp truyền thống những năm qua".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.
Năm 2019, "ông lớn" dầu khí đặt mục tiêu khai thác gần 12,4 triệu tấn dầu thô; 9,7 tỷ m3 khí; gần 22 tỷ kWh điện... PVN cũng đưa ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh thăm dò tìm kiếm, gia tăng trữ lượng dầu khí 5-10 triệu tấn dầu quy đổi.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng những chỉ tiêu này đưa ra khiêm tốn so với năng lực của ngành và yêu cầu PVN tính toán lại. "Ngành dầu khí cần có tư duy "tự cứu mình trước khi trời cứu", nên cần tìm biện pháp quyết liệt, quyết tâm cao hơn, ý chí và tận dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ để "cái khó ló cái khôn"", ông nói.
Cụ thể, PVN cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nhân sự có đức có tài. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như khí lô B, Cá voi xanh, mở rộng nâng cấp lọc dầu Dung Quất. Bởi theo tính toán riêng việc khai thác được 2 dự án khí này thì nhà nước sẽ thu về khoảng 36 tỷ USD. "Chúng ta có tiền bạc, đầu vào không chính là phụ thuộc một phần vào các dự án quan trọng này", ông nói.
Về thị trường, ông đề nghị PVN cần làm tốt hơn công tác dự báo, hoàn thiện hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí, tạo mối liên hệ chặt chẽ đầu vào – ra.
Trước những kiến nghị của PVN liên quan tới lợi nhuận dầu khí để lại nước chủ nhà, hay trích lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, sử dụng tiền thu cổ phần hoá... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Bộ Chính trị đã xem xét cho ý kiến và sẽ giao Chính phủ ban hành ngay ngày mai (12/1).
PVNDB phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD năm 2019
Ngày 7/1, Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) đã tổ chức thành công ... |
Hơn 100 nhà báo, phóng viên đồng hành, chia sẻ cùng PVN
Ngày 7/1 tại Hà Nội, Ban Truyền thông và Văn hoá Doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức buổi gặp ... |
PVN tổ chức Hội thảo đánh giá công tác tái cơ cấu và tổng kết công tác dịch vụ năm 2018
Ngày 25/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội thảo “Công tác tái cơ cấu thực hiện theo ... |
Nguyễn Hoài
Ngày đăng: 21:13 | 11/01/2019
/ VnExpress