Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dự báo, phân tích những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý nội dung trên khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, sáng 5/2.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2025 sẽ tập trung đánh giá kết quả tháng 1, định hướng các mặt công tác lớn của tháng 2 và thời gian tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. (Ảnh: VGP)
Vừa qua, Trung ương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số, các đại biểu đóng góp thêm ý kiến về giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng chỉ đạo, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng của các địa phương.
Nêu rõ tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý một số giải pháp như: tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…
Chỉ đạo ngay một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội ngay tại kỳ họp tới một số nội dung liên quan cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với cách làm khẩn trương; đồng thời khẩn trương bổ sung, hoàn thiện quy định hướng dẫn về mua bán điện trên cơ sở tiếp thu tối đa góp ý của doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội một số nội dung liên quan để triển khai dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT đường bộ.
Nhấn mạnh cần tiếp tục quyết liệt tháo gỡ nút thắt về thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành hằng tháng báo cáo về những vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực phụ trách, nêu rõ vướng mắc là gì, ở đâu, ai giải quyết… để Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc; tích cực chỉ đạo ngay từ đầu năm để bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của từng tháng, từng quý.
Đồng thời hoàn thành mục tiêu có ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025, khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025; triển khai tích cực hơn việc xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025...
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)
Theo báo cáo tại phiên họp, trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2, cả nước tập trung thực hiện đồng thời các nhiệm vụ: tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18; triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu cao (tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, hướng tới hai con số trong giai đoạn 2026-2030); chăm lo đời sống của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán...
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày.
Trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tín hiệu phát triển tốt, tích cực ngay từ đầu năm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh...
Ngày đăng: 14:07 | 05/02/2025
Anh Nhật / VTC News