Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành giáo dục đào tạo. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh, thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo một số Bộ ngành Trung ương, các địa phương.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã điểm qua một số kết quả nổi bật mà ngành giáo dục đào tạo đạt được trong năm học 2020-2021: Hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục; Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn; Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông. Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học; Nghiên cứu các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022; Xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên.
Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét, tính toán cho phép kéo dài năm học đảm bảo chất lượng do dịch bệnh phức tạp, việc dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn được dạy trực tiếp, đặc biệt là khối tiểu học; Nghiên cứu sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 về quản lý học phí cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; các Bộ ngành liên quan cho phép Hà Nội sử dụng cơ chế đặc thù trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trường học tại các quận nội thành có quỹ đất hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 10, cho phép địa phương lùi lộ trình thực hiện chương trình, SGK lớp 10 một năm so với kế hoạch để có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai chương trình.
Lắng nghe các ý kiến, đề xuất của đại biểu các tỉnh, thành phố tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành giáo dục cần nhìn nhận rõ những thách thức đặt ra trong năm học mới 2021-2022, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để từ đó có thể chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính Phủ đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới toàn diện theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực”; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; kết hợp hài hoà giữa giá trị truyền thống và hiện đại; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng.
Ngành giáo dục cũng cần tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng “học thật, thi thật, nhân tài thật”; Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa; Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và các năm tiếp theo để học sinh, giáo viên yên tâm, có sự chuẩn bị đầy đủ trong điều kiện dịch bệnh. Với hàng loạt những khó khăn chung đặt ra hiện nay, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương cần có cách làm linh hoạt, ưu tiên giải quyết từng việc có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với nguồn lực hiện có của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường chiến lược ngoại giao vaccine, ưu tiên vaccine cho trường học để đáp ứng mong muốn sớm được quay lại trường học của giáo viên, học sinh. Bộ Y tế căn cứ vào các cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế để sớm có kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên. Bộ GD&ĐT rà soát số lượng học sinh, phối hợp với Bộ Y tế để triển khai tiêm vaccine cho học sinh có khi nguồn vaccine về. Ngành giáo dục cần rà soát lại, nơi nào còn thiếu thì bổ sung thêm vaccine để tiêm đủ cho cán bộ, giáo viên. Cùng với vaccine, các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện an toàn trường học để cho học sinh có thể quay lại trường trong thời gian phù hợp.
Đối với các vùng dịch bệnh phức tạp, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn về dạy học trực tuyến, quan tâm hỗ trợ các học sinh có điều kiện khó khăn để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kêu gọi tất cả các thầy cô, phụ huynh, học sinh cần nâng cao tinh thần chống dịch, xem đây là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo của Thủ tướng và sẽ cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể; quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo.
Huyền Thanh
Ngày đăng: 15:50 | 28/08/2021
/ cand.com.vn