Sáng nay (ngày 12/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại tỉnh Bắc Giang

Mong Chính phủ tiếp tục có quyết sách hỗ trợ người lao động

Tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang có hơn 350 công nhân, người lao động đến từ 25 đơn vị cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình cũng được truyền hình trực tuyến ở 62 điểm cầu trên cả nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

30
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại Bắc Giang

Với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Lần đầu tiên được tham gia chương trình ý nghĩa này, chị Đặng Thị Phương - Công nhân Công ty TNHH C&K Global (Bắc Giang) không khỏi bồi hồi - chia sẻ: “Tôi hy vọng cuộc đối thoại lần này, người đứng đầu Chính phủ có thể lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động. Tôi mong chờ lương tối thiểu vùng sớm tăng để người lao động yên tâm làm việc”.

Là chủ tịch công đoàn một công ty có nhiều lao động, ông Bùi Văn Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung (Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang) - cho biết: Hiện nay nhiều công nhân lao động mong muốn thủ tục nhận các chế độ hỗ trợ Covid-19 theo Quyết định của Thủ tướng được giải quyết nhanh gọn, để họ sớm được nhận quyền lợi. Cùng với đó, công nhân mong được tổ chức công đoàn, lãnh đạo địa phương phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho họ và tạo điều kiện để người lao động học cao hơn để có thể chuyển đổi công việc có thu nhập tốt hơn.

Cũng như chị Phương, anh Trường, đông đảo công nhân lao động tại Bắc Giang, công nhân lao động trong cả nước mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện việc làm, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của công nhân.

Tại buổi đối thoại, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 nhóm vấn đề lớn, đó là: Tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp.

Rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động.

Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cần nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy “tín dụng đen”.

Công tác đào tạo nghề; chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, chợ dân sinh, đảm bảo cho công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập.

Tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.

Giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; cấp bách hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần doanh nghiệp đông công nhân.

Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất, nhiều công nhân lao động bày tỏ sự tri ân với Đảng, Nhà nước, cá nhân Thủ tướng Chính phủ, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch; những chăm lo kịp thời đối với người lao động trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời thể hiện mong muốn, khát vọng cống hiến, xây dựng, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Chính phủ, tổ chức công đoàn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến người lao động

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường cách mạng, đó là đất nước ta được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta luôn xác định rõ quyền con người, xác định con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có công nhân. Chúng ta luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật.

31
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến, đặc biệt của người lao động

Thực tế hai năm qua, mặc dù ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19, nhưng Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành để cùng nhau khắc phục hậu quả dịch bệnh; đặc biệt có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, ban hành với tốc độ nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động, như: Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch; Nghị quyết 116 hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, 2 nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với 81.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng băn khoăn là có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị hai bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính phối hợp với các địa phương. Các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình. "Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng. Tôi nói thế có được không?", Thủ tướng nói.

32
Bên cạnh những kiến nghị, công nhân lao động cũng mong muốn cống hiến, xây dựng, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Tại diễn đàn, nhiều lao động đã chia sẻ tâm tư với người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt về vấn đề Luật Bảo hiểm xã hội còn không ít bất cập, nhất là thời gian đóng khá dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40 - 45 tuổi, khiến không ít công nhân lao động phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đây là điều không ai muốn, vì ai cũng hiểu rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trả lời, giải đáp tâm tư ngay của người lao động. Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - chia sẻ: Nước ta có 55 triệu lao động trong đó có 20 triệu người lao động có giao kết hợp đồng lao động. 15 năm qua quá trình phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đã có những thành tích đáng nể. Tuy nhiên, trong quý I, quý II vừa qua một tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Điều này gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.

Để tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, trước tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội chủ trì, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Bộ đã tiếp thu, tổng hợp 11 nhóm chính sách để đổi mới, theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có nhóm chính sách về giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động theo được quá trình đóng. Theo đó, dự kiến thời gian đóng bảo hiểm xã hội rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn 10 năm.

Bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Từ điểm cầu Bình Phước, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn cơ sở công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam bày tỏ lo ngại nhiều thủ đoạn lôi kéo công nhân vào "tín dụng đen". Hay vấn đề công nhân thường xuyên phải tăng ca, ảnh hưởng đến sức khỏe do bệnh viện ở xa nơi làm việc của công nhân Vũ Thị Kim Anh, Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nam I, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là vấn đề đang nổi lên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó rà soát lại quy định của pháp luật, rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt. Những gì liên quan đến luật pháp thì đánh giá tác động, thuộc thẩm quyền, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, các bộ, ngành khác phải xử lý ngay để bảo đảm lợi ích của người lao động.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, bảo hiểm xã hội cùng cơ quan liên quan khác tổ chức thực thi pháp luật cho thật nghiêm, bảo vệ lợi ích chung. Ai làm tốt khuyến khích, tổ chức mô hình, nhân rộng. Tinh thần giữ kỷ cương, kỷ luật, đồng thời động viên người làm tốt, giải quyết lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Về vấn đề y tế, Thủ tướng cho rằng, giải pháp trước mắt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14 nghìn tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn.

Về lâu dài, nên nghiên cứu tổ chức y tế, trạm xá hay cơ sở khám chữa bệnh sao cho phù hợp cho các khu công nghiệp. Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể.

Vấn đề nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này, đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

Trước nhiều tâm tư của người lao động, Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống.

33
Thủ tướng Chính phủ thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ

Trước khi diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp xuống phòng trọ của một gia đình công nhân thuê trọ tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tặng quà gia đình.

Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em công nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thủ tướng nói.

Ngày đăng: 13:39 | 12/06/2022

Thanh Tâm / congthuong.vn