Ngày 5/5, tại TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đối thoại với 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao ở các tỉnh, thành phố và nhiều công đoàn ngành trong cả nước. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2019, hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức.
Tham dự chương trình còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao
Đoàn đại biểu Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tham dự chương trình do đồng chí Nghiêm Thùy Lan - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch CĐ DKVN làm trưởng đoàn; cùng 5 đại biểu công nhân kỹ thuật cao tiêu biểu gồm: Đồng chí Nguyễn Xuân Quang (Vietsovpetro), đồng chí Trần Trung Hiếu (Vietsovpetro), đồng chí Nguyễn Hữu Tùng (PVFCCo), đồng chí Ngô Duy (BSR), đồng chí Trần Tuấn Nghĩa (PV Power).
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Với thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng đã 4 lần gặp gỡ, đối thoại và kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật với công nhân, lao động. Buổi gặp gỡ là dịp để người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đóng góp quan trọng của đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao đối với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, ngành và đất nước. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để đoàn viên, công nhân lao động được đón nhận thông điệp của Chính phủ gửi tới người lao động cả nước.
Các công nhân lao động kỹ thuật cao vinh dự được nhận quà của Thủ tướng Chính phủ và nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam
Với chủ đề: “Công nhân kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”, đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, người lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; cần làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.
Đối thoại với Thủ tướng, anh Nguyễn Xuân Quang (Vietsovpetro) nêu ý kiến về tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết và thiếu thực hành. Theo anh Quang, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân lao động kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề hiện nay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động.
Anh Nguyễn Xuân Quang cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các doanh nghiệp tạo điều kiện hơn nữa để công nhân lao động học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng với những thay đổi công nghệ trong doanh nghiệp gắn với tự động hóa, số hóa, tối ưu hóa, sử dụng robot…
Đoàn đại biểu Công đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự chương trình
Trước ý kiến của anh Nguyễn Xuân Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đào tạo có vai trò quyết định để xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao và đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM Huỳnh Thành Đạt trả lời.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà Bộ và các Bộ ngành liên quan đã và đang tập trung giải quyết, để làm sao việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ; khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó” hoặc “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế; và để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ hiện có nhiều chương trình hỗ trợ học phí cho người lao động đi học và nhiều chương trình đào tạo linh hoạt như đào tạo từ xa, đào tạo theo tín chỉ… để người lao động lựa chọn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề cho công nhân, lao động là rất cần thiết và cần học tập suốt đời vì các kiến thức, kỹ năng luôn thay đổi”. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp chủ động tạo điều kiện cho công nhân, lao động về chi phí, thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề.
Anh Nguyễn Xuân Quang (Vietsovpetro) nêu ý kiến đối thoại
Phát biểu tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lực lượng CNLĐ có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ: Tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CNLĐ; chỗ học tập, vui chơi cho công nhân, con công nhân...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 43 kiến nghị mà tổ chức Công đoàn đã tập hợp và gửi gắm cùng với kiến nghị của các công nhân tại buổi gặp mặt sẽ được giao cho Văn phòng Chính phủ phân loại, gửi cho từng Bộ, ngành, địa phương để trả lời cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNLĐ. “Để thấy hiệu quả chứ không phải gặp nhau từ hội trường là xong”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường thay mặt đội ngũ CNVC-LĐ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hơn 3 năm qua có sự quan tâm đặc biệt, dành nhiều thời gian cho đội ngũ CNLĐ; khẳng định đây sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ CNLĐ Việt Nam phát triển. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu, chỉ đạo sâu sắc và những gợi mở thiết thực đối với tổ chức Công đoàn để xây dựng, phát triển đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước ngày càng nhiều hơn, to lớn hơn.
Anh Nguyễn Xuân Quang, một trong 23 đại diện nhận quà của Thủ tướng Chính phủ và nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại chương trình
Tại chương trình, 23 đại diện công nhân lao động kỹ thuật cao đã vinh dự được nhận quà của Thủ tướng Chính phủ và nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật
Ông Vũ Văn Ninh có vi phạm trong quyết định chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc ... |
Thủ tướng: Tăng giá điện, giá xăng dầu gây tâm tư trong nhân dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng giá điện và giá xăng dầu vừa qua gây tâm tư trong nhân dân. |
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc tăng giá điện
Thanh tra Chính phủ được yêu cầu vào cuộc cùng Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc tăng giá điện thêm 8,36% từ 20/3. |
Thủ tướng Nhật sẵn sàng gặp Kim Jong-un 'vô điều kiện'
Thủ tướng Abe muốn trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh nhằm cải thiện quan hệ song phương. |
Ngày đăng: 14:59 | 06/05/2019
/