Thủ tướng Hunsen cho biết có thể phải kéo dài và mở rộng phạm vi phong tỏa nếu người dân vi phạm các biện pháp phòng chống Covid-19.
Thế giới đã ghi nhận 141.274.101 ca nhiễm nCoV và 3.022.397 ca tử vong, tăng lần lượt 764.297 và 10.842, trong khi 119.998.103 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 17/4 cho biết ông đang xem xét gia hạn lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao nếu người dân không tuân thủ những biện pháp hạn chế được giới chức áp dụng.
"Tôi muốn làm rõ rằng lệnh phong tỏa Phnom Penh và Takhmao sẽ được kéo dài, cũng như mở rộng phạm vi ra nhiều tỉnh khác, nếu người dân vẫn vi phạm các hạn chế và tình hình không cải thiện. Nếu người dân không hợp tác, chúng ta rất khó thực hiện được mục tiêu", ông Hun Sen cho hay.
Một chốt kiểm soát phong tỏa ở Phnom Penh hôm 17/4. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Campuchia thêm rằng những người về quê trong dịp tết năm mới Khmer sẽ không được trở về thủ đô trong đợt phong tỏa. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Campuchia cũng cảnh báo những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị trừng phạt.
Campuchia ghi nhận thêm 291 ca nhiễm nCoV và một ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 5.771, trong đó 39 người đã tử vong.
Campuchia ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao từ ngày 15-28/4, người dân không được rời khỏi nhà trừ vì mục đích thiết yếu, mọi cuộc tụ tập đều bị cấm, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở cửa. Người dân được phép đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm ba ngày một tuần.
Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng hai khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.368.013 ca nhiễm và 580.625 ca tử vong do nCoV, tăng 60.691 ca nhiễm và 704 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 15/4 cho thấy hơn 198 triệu liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng tại nước này, chiếm khoảng 78% trong số hơn 255 triệu liều đã được phân phối. Số liều vaccine được tiêm trung bình 7 ngày qua là khoảng 3,3 triệu liều/ngày.
Hơn 30% người trưởng thành ở Mỹ hoàn thành tiêm chủng và khoảng 48% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Khoảng 64% người cao tuổi được tiêm đủ mũi và 80% được tiêm ít nhất một liều. Khoảng 78,5 triệu người ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ và gần 126 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.
Một hội đồng chuyên gia sẽ họp vào tuần tới để thảo luận xem có nên tiếp tục sử dụng vaccine Johnson & Johnson hay không, sau khi có lo ngại vaccine này gây đông máu.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 14.782.461 ca nhiễm và 177.168 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 260.778 và 1.495 ca.
Hàng loạt lễ hội tôn giáo, các cuộc biểu tình chính trị và những trận đấu cricket mở cửa đón khán giả là nguyên nhân khiến Ấn Độ đang trải qua sóng Covid-19 khủng khiếp với gần hai triệu ca nhiễm chỉ trong nửa đầu tháng này.
Sau đợt phong tỏa cách đây một năm gây tình trạng khốn cùng trên diện rộng và dẫn đến đợt suy thoát lớn nhất so với các nền kinh tế lớn, chính phủ Ấn Độ đang liều lĩnh tránh đợt phong tỏa lần hai. Đa phần người dân Ấn Độ cũng phản đối phong tỏa.
Tuy nhiên, nhiều bang đang thắt chặt các biện pháp hạn chế. Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và chiếm 1/4 ca nhiễm cả nước, cùng thủ phủ Mumbai tuần này đưa ra những hạn chế khắt khe hơn đối với 125 triệu dân. Ở vùng thủ đô Delhi, ca Covid-19 hàng ngày đang đạt kỷ lục mới, khiến thủ hiến bang phải thông báo áp lệnh giới nghiêm vào cuối tuần. Các bác sĩ cảnh báo sự gia tăng có thể còn nguy hiểm hơn năm 2020.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.900.091 ca nhiễm và 371.678 ca tử vong, tăng lần lượt 65.749 và 2.654. Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.
Sao Paulo, trung tâm công nghiệp của Brazil, là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ghi nhận hơn 85.000 ca tử vong trong 45,9 triệu dân. Các bệnh viện công tại bang này đang bị thiếu trầm trọng thuốc cần thiết để đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19.
Hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng ghi nhận tình trạng thiếu thuốc đặt nội khí quản.
Bất chấp ca nhiễm tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.260.182 ca nhiễm và 100.593 ca tử vong. Pháp từ đầu tháng bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng. Việc mở rộng triển khai vaccine đã mang lại sự lạc quan cho những người dân đã mệt mỏi vì phong tỏa. Tất cả người trên 55 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm vaccine.
Anh, báo cáo 4.385.938 người nhiễm và 127.260 người chết, tăng lần lượt 2.206 và 35 trường hợp.
Từng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm chủng thành công cùng với các biện pháp ngăn chặn, giúp giảm 95% ca tử vong và 90% ca bệnh từ tháng một.
Cơ quan tư vấn tiêm chủng Anh khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất vì có nhiều dữ liệu thực tế hơn cho thấy chúng an toàn.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.599.763 ca nhiễm, tăng 5.041, trong đó 43.328 người chết, tăng 132. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca. Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 15,6 triệu liều.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 926.052 ca nhiễm và 15.810 ca tử vong, tăng lần lượt 11.101 và 72 ca.
Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau khi EU xác định đông máu là tác dụng phụ của vaccine, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.
Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Thủ tướng Hun Sen cảnh báo Campuchia "bên bờ vực sinh tử"
Thủ tướng Hun Sen cảnh báo ca Covid-19 tăng khiến Campuchia "bên bờ vực sinh tử", trong bối cảnh nước này phong tỏa thủ đô ... |
Thủ đô Campuchia gia hạn lệnh giới nghiêm ngăn Covid-19
Chính quyền thành phố Phnom Penh thông báo kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 tuần vì chưa cắt được chuỗi lây nhiễm ... |
Ngày đăng: 09:13 | 18/04/2021
/ vnexpress.net