Viện trưởng CIEM cho rằng, dù môi trường đầu tư của Hà Nội đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số thủ tục "rất nhiêu khê".
Chiều 22/11, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với TP Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao.
Tổ công tác kiểm tra thủ tục hành chính về môi trường đô thị tại một đơn vị của TP Hà Nội. Ảnh: Quang Hiếu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc thành phố tổ chức trực tuyến cuộc làm việc tới điểm cầu của các quận, huyện, thị xã. Ông Dũng cũng chuyển lời khen của Thủ tướng đến TP Hà Nội và cho biết, Thủ tướng đánh giá cao vai trò cá nhân của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung đã năng động sáng tạo, có nhiều đổi mới, không ngại việc, không ngại va chạm, tạo ra sự chuyển động mạnh cho cả thành phố.
Thủ tướng cũng nhắc Hà Nội thực hiện tốt hơn một số vấn đề: tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn; công tác quy hoạch và tổ chức quy hoạch; xây dựng đô thị; siết chặt kỷ luật hành chính, đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin; quyết liệt xử lý các vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Hà Nội có thể thành đại bản doanh của các tập đoàn lớn thế giới
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính. Khảo sát với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về sự hấp dẫn trong đầu tư. Đặc biệt theo ông Lộc, lần đầu tiên Hà Nội vượt TP HCM trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Võ Hải.
"Thực sự vượt TP HCM không phải dễ, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì Hà Nội là nhà thu hút đầu tư hàng đầu Việt Nam", ông Lộc nói và cho biết, môi trường đầu tư của thành phố minh bạch hơn, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính cải thiện đáng kể, chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiến bộ nhiều.
"Hồng Hải đưa dây truyền sản xuất Iphone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam" ông Lộc nói. Ông cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành đại bản doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị thành phố cải cách tốt hơn trong chỉ số tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, dù gánh nặng chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn cần giảm mạnh mẽ hơn; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
"Một điều quan trọng nữa là sự tiên phong, quyết đoán lãnh của đạo thành phố rất đáng ghi nhận nhưng xuống Sở, ban, ngành thì còn hạn chế, trên nóng dưới lạnh vẫn còn", ông Lộc đánh giá.
Thủ tục hành chính còn nhiêu khê
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu, thời gian gần đây Hà Nội đã có tiến triển trên các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh. Trước đây có tình trạng "các nhà đầu tư cần Hà Nội hơn là Hà Nội cần các nhà đầu tư", nhưng giờ đã khác.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Võ Hải.
Nhưng theo ông, nếu so sánh giữa Hà Nội với TP HCM thì các Sở trong TP HCM vẫn làm nhanh hơn, đây là thông tin doanh nghiệp phản ánh. Viện trưởng CIEM dẫn chứng, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội là đơn vị được đánh giá tốt nhất trong thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng so với TP HCM thì vẫn không bằng.
"Ngoài này, thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh rất nhiêu khê. Đăng ký kinh doanh lần đầu thì tốt nhưng đăng ký bổ sung hay thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì chưa tốt", ông Cung thẳng thắn nói.
Lãnh đạo CIEM tiếp tục dẫn chứng, ở Quảng Ninh làm 4 trong 1, nghĩa là nhận, xử lý, phê duyệt, trả kết quả đều trên mạng, còn ở Hà Nội còn khá nhiều khâu phải đến làm trực tiếp. "Hà Nội có điều kiện để đi đầu trong lĩnh vực này, mà không chỉ dẫn đầu mà phải làm gương, dẫn dắt để nơi khác đến học tập".
Từ thực tế trên, ông Cung mong việc giải quyết giấy tờ được xúc tiến nhanh hơn. Ông gợi ý Hà Nội thuê một đơn vị độc lập đánh giá kết quả để so sánh, đối chiếu vì nhiều khi nội bộ đánh giá còn khoảng cách giữa thực tiễn và trên văn bản.
Xây dựng cơ sở dữ liệu 7,5 triệu dân thủ đô
Báo cáo với tổ công tác về xây dựng chính quyền điện tử, đại diện Hà Nội cho hay, TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành.
TP hoàn thành chỉ tiêu kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); Hệ thống họp trực tuyến được sử dụng thường xuyên, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố.
100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% cán bộ, công chức được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi công việc...
Võ Hải
Làm thủ tục hành chính qua mạng, xóa bỏ phiền hà, xin - cho
Không cần đến trực tiếp các cơ quan nhà nước, người dân tỉnh Tây Ninh có thể giải quyết toàn bộ các thủ tục hành ... |
Những thủ tục hành chính nào cần mang theo sổ hộ khẩu?
Theo quy định hiện hành, hàng loạt thủ tục hành chính bắt buộc người dân mang sổ hộ khẩu khi đến làm thủ tục tại ... |
Vì sao thủ tục hành chính về xây dựng có chi phí đắt đỏ nhất?
Nhóm thủ tục xây dựng có chi phí trung bình hơn 64 triệu đồng, tuy nhiên nhiều trường hợp lên đến hàng tỷ đồng. |
Những điều cấm với công dân khi làm thủ tục hành chính
Khi đến làm thủ tục hành chính một cửa, bạn không được dùng vũ lực, đe doạ, xúc phạm danh dự cán bộ đang thực ... |
Ngày đăng: 08:36 | 23/11/2018
/