Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các trạm y tế lưu động tại TP.HCM phải cấp phát túi thuốc kịp thời cho các F0 và không được để họ thiếu thuốc khi điều trị tại nhà.

"Các y bác sĩ quân đội và lực lượng khác đang trực tiếp theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh cho F0 kịp thời nhất. Chúng ta cũng cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người mắc COVID-19 hoảng loạn, thiếu thuốc", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói tại buổi kiểm tra, đôn đốc việc chăm sóc, theo dõi các F0 tại nhà của các trạm y tế lưu động ở các quận, huyện TP.HCM, chiều 30/8.

Ông Sơn cũng yêu cầu người dân và các F0 phải được cung cấp số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn.

Thứ trưởng Y tế: Không được để F0 điều trị tại nhà thiếu thuốc - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi kiểm tra, đôn đốc việc chăm sóc, theo dõi các F0 tại nhà của các trạm y tế lưu động ở các quận, huyện TP.HCM chiều 30/8.

Liên quan đến việc phối hợp xác định F0 và phát túi thuốc, BS Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển cho biết, sau khi test nhanh có kết quả dương tính, thông thường các trạm sẽ sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Từ đó, đơn vị sẽ lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển cho Trạm Y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc.

Với cách làm này, ông Sơn cho rằng, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, nếu test nhanh cho kết quả dương tính và đã quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần xét nghiệm lại bằng PCR ngay. Bởi nếu trông chờ xét nghiệm PCR sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm.

"Tất cả trường hợp dương tính sau test nhanh, khi đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung, thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu kết quả của các F0 nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) thì cũng cho về nhà theo dõi. Người có nồng độ virus cao sẽ ở lại khu cách ly. Chúng ta phải phát nhanh nhất túi thuốc cho F0, vì họ cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất", ông Sơn nhấn mạnh.

Đến các gia đình F0 ở quận 4, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn căn dặn, mọi người nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho nhân viên y tế địa bàn, các trạm y tế lưu động. Mặt khác, người dân cần lưu sẵn các số đầu mối liên lạc của y tế địa bàn. Khi dấu hiệu sức khỏe bất thường là gọi ngay, không nên chần chừ để ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay cả các nhu cầu tư vấn bệnh hay các thắc mắc về túi thuốc của mọi người cũng sẽ được lực lượng y tế cơ sở đáp ứng, giải đáp.

Theo BS Nguyễn Xuân Huân, GĐ Trung tâm y tế Quận 4, hiện tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương. Hiện Trung tâm nhận được 1.260 túi thuốc và cấp hơn 800 túi. Tuy nhiên, do những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc. Cộng với việc nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. "Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian", ông Huân nói.

Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, các Trung tâm y tế quận, huyện tại TP.HCM khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm Y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Mặt khác, các đơn vị cũng cần phải ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm.

7 ngày xét nghiệm 1,6 triệu mẫu, TP.HCM phát hiện hơn 64.000 F0 7 ngày xét nghiệm 1,6 triệu mẫu, TP.HCM phát hiện hơn 64.000 F0

Trong 1 tuần tăng cường giãn cách, TP.HCM hoàn thành việc xét nghiệm “vùng cam, đỏ”, phát hiện 64.299 F0 trong 1,6 triệu mẫu test.

Trạm y tế lưu động ở TP.HCM giúp điều trị F0 tại nhà thế nào? Trạm y tế lưu động ở TP.HCM giúp điều trị F0 tại nhà thế nào?

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, đến nay, thành phố thành lập 403 Trạm y tế lưu động hỗ trợ ...

Ngày đăng: 08:45 | 31/08/2021

/ vtc.vn