Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc thống kê F0 vẫn phải làm bình thường nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo dịch bệnh.
Chiều 3/3, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Trước diễn biến chủng mới Omicron, việc thống kê F0 vẫn phải làm bình thường nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo”.
Về ý kiến cho rằng cách ly 5 ngày đối với F1 là chưa phù hợp, ông Tuyên cho rằng, mục tiêu chúng ta là giảm gia tăng số ca F0.
"Khi chưa có vaccine thì áp dụng cách ly F1 28 ngày, bởi đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A mới nổi. Sau đó, qua nghiên cứu và tiếp cận nguồn vaccine thì đưa xuống cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần; tiếp đó, khi bao phủ vaccine thì chỉ còn cách ly 5 ngày người đã tiêm vaccine. Người nhập cảnh chỉ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày", ông Tuyên nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lãnh đạo Bộ đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu, tham mưu để Bộ Y tế có hướng dẫn phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời tại họp báo chiều 3/3. (Ảnh: Đắc Huy) |
Liên quan đến vấn đề dự báo tình hình dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay đã có tới 3 chủng của virus lây lan. Tại đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam thì chủng Delta “xâm chiếm”, có tốc độ lây lan gấp 3 lần so với chủng ban đầu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đến thời điểm hiện nay thì chủng Omicron lại có tốc độ lây lan gấp 2 lần so với chủng Delta. Như vậy, chủng Omicron có tốc độ lây lan gấp 5 lần so với chủng ban đầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu ra việc người dân hiện đang có tâm lý chủ quan khiến số lượng F0 tăng cao trong suốt thời qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra nhận định vào ngày 14/2 vừa qua thì thời điểm này còn quá sớm để coi COVID-19 như là bệnh cúm mùa. Tổ chức Y tế thế giới có ý kiến về việc biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên năm 2022 tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.
"Chúng ta không quá lo lắng trước số ca mắc COVID-19 đang tăng cao bởi Việt Nam là 10 nước đứng đầu thế giới có tỷ lệ bao phủ vaccine. Bên cạnh đó, trên thế giới đưa ra một số thuốc vào điều trị người mắc COVID-19, Việt Nam cũng đã cấp phép cho 3 loại thuốc trong điều trị và hiện Bộ Y tế đang làm việc với một số hãng dược trên thế giới để đưa thuốc vào Việt Nam", ông Tuyên nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, hơn 2 năm qua chúng ta đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc); Bắc Ninh; Bắc Giang; TP. HCM hay Trúc Bạch (Hà Nội)… cũng như cơ bản nắm được đặc tính của virus SARS-CoV-2.
Khi F0 tăng cao thì các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch; nâng cao ý thức cho người dân; tham gia tích cực về công tác tiêm chủng; có hướng dẫn, tuân thủ việc dùng thuốc trong điều trị.
Về vấn đề giá kit xét nghiệm COVID-19 tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi xuất hiện chủng Omicron khiến lượng F0 tăng cao dẫn đến nhu cầu người dân cũng tăng theo, trong khi đó cung chưa đáp ứng đủ cầu nên dẫn đến giá tăng mạnh.
Khi nhận thấy tình hình trên, Bộ Y tế đã họp với các bộ, ngành có liên quan bàn về vấn đề này; đồng thời họp với khoảng 100 đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm này nhằm đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc “găm hàng, tăng giá”, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh công khai giá bán buôn, bán lẻ…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý đối với người dân: “Người dân chỉ nên mua kit test nhanh COVID-19 khi cần, dùng đến đâu mua đến đó”.
XUÂN TRƯỜNG - ĐẮC HUY
Hà Nội ghi nhận thêm 18.661 ca Covid-19, khoảng 99% F0 điều trị tại nhà |
Cả nước có 3.949 F0 nặng đang điều trị |
Ngày đăng: 21:58 | 03/03/2022
/ vtc.vn