Câu chuyện thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm HN 2 ở nhà chăn lợn khiến nhiều người trách móc Bộ trưởng GD. Nhưng sao mọi người không nghĩ, đơn giản đó là lựa chọn riêng.

thu khoa su pham di chan lon don gian do la lua chon Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2: "Hiện em đang ở nhà chăn lợn"
thu khoa su pham di chan lon don gian do la lua chon

Bùi Thị Hà (bên phải).

Có một điều đơn giản, nhiều người cũng nhìn ra, em muốn vào biên chế để được làm đúng nghề giáo. Có lẽ cơ hội việc làm khác có nhiều nhưng em chọn ở nhà chăn lợn đó là lựa chọn của cô thủ khoa. Hoặc em muốn chờ cơ hội để nuôi một ước mơ lớn lao hơn cho riêng mình. Nhưng không được đứng trên bục giảng mà ôm giấc mơ biên chế ngành giáo dục nó xa vời lắm, cô thủ khoa à.

Thực cảnh sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành không hiếm. Mỗi mùa ra trường lại có hàng nghìn cử nhân sư phạm gia nhập đội quân này. Điểm khác có chăng là họ tốt nghiệp nhưng không phải thủ khoa mà thôi. Có lẽ không ở đỉnh cao hào quang nên họ không ngồi đợi công việc đến với mình.

Còn em, đường đường là 1 trong 100 người được vinh danh ở Văn Miếu, Quốc Tử Giảm, em chờ đợi một thực tế màu hồng sau khi ra trường cũng là điều dễ hiểu. Đáng tiếc, tôi không phải là người có quyền cho em “một chân” biên chế giáo dục nên tôi chẳng thể giúp gì được em. Thậm chí, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cũng biết đến và động viên em. Tuy nhiên, theo vị này, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển công chức tới đây để tham gia kỳ thi như tất cả các thí sinh khác.

Câu chuyện của em làm tôi nhớ mình cùng từng có mơ ước làm giáo viên. Nhưng thời điểm quyết định chọn trường ĐH, tôi đã từ bỏ ước mơ đó. Bởi tôi biết, tôi và gia đình không thể đủ sức tham gia “cuộc đua việt dã” vào biên chế.

Tuy nhiên, ngã rẽ ước mơ sang học và theo nghề báo cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều bạn trẻ. Họ học sư phạm, kinh tế, luật nhưng họ khác tôi và em là không nuôi hy vọng phải vào biên chế.

Không ít người trong số họ là cử nhân sư phạm thay vì đợi biên chế đã tự mở các trung tâm gia sư để được làm nghề giáo và được kinh doanh. Có người tự tìm đến các trường dân lập để có được cơ hội theo đuổi đam mê dạy học. Họ có giỏi không? Họ rất giỏi nhưng kiến thức chuyên môn khi ra trường, tôi tin họ chưa thể bằng em, một thủ khoa, Hà ạ. Nhưng họ dám nghĩ khác, đi lối đi khác. Bởi lẽ, ban đầu người chọn nghề nhưng để tồn tại ở một xã hội có sự cạnh tranh thì nghề chọn người sẽ mang đến tỉ lệ thành công cao. Vấn đề, chúng ta phải thích nghi với hoàn cảnh!

Hà ạ! Nếu em vẫn chờ cơ hội vào biên chế để thực hiện được ước mơ thành cô giáo thì có lẽ ước mơ đó chưa thực đủ lớn để thôi thúc em tìm những lối đi mới. Nếu không vì biên chế, em ở nhà chăn lợn, làm việc đồng áng, đơn giản đó là quyền lựa chọn của em!

Mong em sớm toại nguyện ước mơ được đứng trên bục giảng và quan trọng có "chân" trong biên chế ngành giáo dục!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

http://www.nguoiduatin.vn/thu-khoa-su-pham-di-chan-lon-don-gian-do-la-lua-chon-a341751.html

Ngày đăng: 09:31 | 09/10/2017

/ Hoàng Mai/nguoiduatin.vn