Cuộc tranh cãi xoay quanh thủ khoa nuôi lợn có lẽ bắt nguồn từ những ngộ nhận về danh hiệu thủ khoa, ở cả hai phía.

thu khoa hay thoi ao tuong ve minh Từ chuyện Thủ khoa thất nghiệp: “Lỗ hổng” lớn trong đào tạo đại học
thu khoa hay thoi ao tuong ve minh Thủ khoa ở nhà nuôi lợn từng từ chối thi tuyển vào trường chuyên

Câu chuyện của Bùi Thị Hà (Hà Giang), cô thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ở nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn để chờ kỳ thi vào biên chế đã trở thành đề tài rôm rả của dân mạng trong suốt hơn 1 tuần qua. Những tranh cãi về "thủ khoa chăn lợn" thậm chí còn "nóng" hơn cả sự ra đi của người thầy nức tiếng với giai thoại "lợn nuôi tiến sĩ".

Nhiều người cảm thông với Hà, nói về sự lãng phí nhân tài, trách móc tỉnh Hà Giang, thậm chí là Bộ GD-ĐT. Nhưng cũng có những người thẳng tưng với Hà rằng em đã thụ động, quen nếp nghĩ lạc hậu “phải bám vào biên chế”, từ đó không nỗ lực và ở nhà "chăn lợn" là đáng, không có gì phải than vãn.

Thật ra không phải tới Bùi Thị Hà, người ta mới nghe tới chuyện chật vật tìm việc của các thủ khoa.

Vài ba năm trở lại đây, năm nào người ta cũng tranh luận về một câu chuyện tương tự. Chuyện vừa vãn thì năm sau bước vào cuộc tranh luận mới không khác năm trước là bao.

Vào đúng những ngày này cách đây 2 năm, dư luận ồn ào vì câu chuyện của Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2015. Yến cũng là một trong 132 "thủ khoa xuất sắc" được vinh danh tại Văn Miếu năm đó, thế nhưng sau 3 tháng loay hoay tìm việc, rải hồ sơ ở nhiều công ty, Yến thất vọng, trở về quê Bắc Giang để phụ mẹ.

Tháng 8 năm ngoái, câu chuyện của thủ khoa Trường ĐH Thương mại năm 2013 Đồng Thị Ngân cũng làm xôn xao dư luận. Tốt nghiệp xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, là một trong 123 thủ "khoa khoa xuất sắc" năm 2013 nhưng trong suốt 3 năm, Ngân không xin được công việc đúng ngành nghề, đành phải xin làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống.

Trước đó, năm 2013, người ta cũng từng bàn tán sôi nổi về trường hợp của La Văn Ngọ, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Giao thông vận tải phải chật vật đủ nghề từ phát tờ rơi tới chạy bàn để kiểm sống trước khi được lãnh đạo Bộ GTVT quyết định nhận vào Viện KHCN Giao thông vận tải.

Thành ra, việc thủ khoa thất nghiệp, trên mặt báo dường như đã là "chuyện thường ngày ở huyện".

Phong trào “giải ảo” thủ khoa cũng đã rộ lên mấy năm gần đây, với sự góp mặt của “cộng đồng Facebook” với những bức hí hoạ hay so sánh tếu táo: “Cô bé bán khoai đỗ 3 trường đại học; tốt nghiệp đại học lại trở về bán khoai”

Thế nhưng, câu chuyện của Bùi Thị Hà vẫn gây được chú ý, thậm chí châm ngòi cho nhiều cuộc tranh cãi, trong nhiều cộng đồng khác nhau bởi lẽ với dư luận dường như nó chứa đựng "sự bất thường, bởi nhiều người hẳn đã mặc định: "Thủ khoa thì không thể ở nhà chăn lợn".

Bản thân công việc "chăn lợn" không có gì xấu. Nhưng việc là "thủ khoa" cũng chẳng có gì sai. Cái sai có lẽ bắt nguồn từ cách nghĩ áp đặt của dư luận với danh vị thủ khoa.

Bùi Thị Hà hay trước đó là Chu Thị Yến, Đồng Thị Ngân hay La Văn Ngọ được gọi là thủ khoa bởi họ nằm trong danh sách tuyên dương thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH trên địa bàn do TP. Hà Nội tổ chức. Lễ tuyên dương đã trở thành hoạt động thường niên suốt 15 năm nay và tới năm nay, đã 1.617 thủ khoa được vinh danh.

Những thủ khoa nhận bằng khen "thủ khoa xuất sắc" của Thành phố Hà Nội cũng không phải là những người có điểm số học tập cao nhất. Họ là "thủ khoa" theo lựa chọn của một hội đồng lựa chọn của trường dựa trên theo nhiều tiêu chí khác nhau do Thành Đoàn Hà Nội đưa ra, bao gồm cả kết quả rèn luyện, công tác Đoàn Hội.

Vì thế, ngay cả khi được vinh danh thủ khoa xuất sắc thì họ cũng chỉ là "thủ khoa" trong thước đo của chính trường đại học nơi họ tốt nghiệp, theo các tiêu chí Thành Đoàn Hà Nội.

Điều này cũng có nghĩa, việc được vinh danh thủ khoa tại Văn Miếu hoàn toàn không đảm bảo tất cả sẽ thành công hay xuất sắc khi bước vào đời. Điều đó càng đúng trong bối cảnh nền giáo dục đại học đang chuyển từ tinh hoa chuyển sang đại chúng, chất lượng đại học cũng “thượng vàng, hạ cám”.

Thói quen chỉ tôn vinh những người đứng đầu về điểm số của các tổ chức vô tình mâu thuẫn với triết lý thực học, thực nghiệp.

Bên cạnh đó, chính những người được vinh danh cũng "ngộ nhận" bởi những hư vinh từ danh hiệu thủ khoa của mình.

Tôi từng gặp nhiều thủ khoa được vinh danh ở Văn Miếu. Nhiều em rất năng động và thực lực khi chưa ra trường, các em đã tìm được chỗ làm riêng, có em đi làm từ năm thứ 3, có em chọn ở lại trường để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, có em tìm được học bổng ra nước ngoài.

Không phải thủ khoa nào cũng chấp nhận thất nghiệp hay chờ một chính sách ưu đãi nào từ nhà nước.

Nhưng cũng có nhiều em mong mỏi một ngày được vào biên chế, cho ổn định, như Bùi Thị Hà. Dẫu vậy, đó chỉ là một sự lựa chọn mang tính cá nhân.

Mong ước được làm giáo viên tại Hà Giang để "cống hiến cho quê nhà" hẳn là không sai, thậm chí còn đáng trọng.

Nhưng cách nghĩ về một sự ưu tiên hay trọng dụng với “thủ khoa” thì là một nếp nghĩ không đáng được khuyến khích.

Hà viết thư riêng cho Bí thư tỉnh uỷ là biểu hiện của cách suy nghĩ còn rơi rớt sự ngây thơ, nhưng dẫu sao cũng là câu chuyện của cá nhân tự dưng bị lôi toạc lên dư luận, còn dễ cảm thông được.

Nhưng Hà vắng mặt trong một cuộc thi tuyển vào ngôi trường phổ thông đáng giá nhất tỉnh với bức thư xin lỗi viết sai chính tả thì “cô giáo dạy văn tương lai” sẽ khó được thêm sự đồng cảm nữa rồi.

Đặt tâm thư xuống, cởi mũ thủ khoa đi…và bước vào đời.

Những lời khuyên lạnh lùng nhưng xác đáng mà Hà bỗng dưng phải nhận mấy hôm nay có lẽ là những bài học kỹ năng sống quý giá hơn cả thời “học gạo” trên ghế giảng đường. Và hữu ích cho các bạn trẻ trót có lối suy nghĩ như Hà.

Cuộc tranh luận về thủ khoa nuôi lợn rồi sẽ qua đi, như bao nhiêu cuộc tranh luận khác. Hà hẳn rồi sẽ tìm được một công việc nào đó. Hư danh “thủ khoa” rồi sẽ được giải thiêng dần.

Với những ngôi trường, những tổ chức đã chọn, đã trao cho em danh hiệu “thủ khoa” cũng đã đến lúc nhìn nhận lại đánh giá, tôn vinh nguồn nhân lực của mình làm sao để bỏ hư danh, thiết lập và thúc đẩy các giá trị “thực học, thực nghiệp” cho thế hệ trẻ.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/thu-khoa-hay-thoi-ao-tuong-ve-ban-than-404160.html

Ngày đăng: 11:28 | 12/10/2017

/ Lê Văn / Vietnamnet