Không ai nghi ngờ về đóng góp của FDI trong tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP… nhưng người ta cũng có quyền nghi ngờ về đóng góp trong từng lĩnh vực. Những vụ đình công đã xảy ra và tình trạng gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện nên “cùng cần nhìn từ hai phía”.

Đó là phát biểu của PGS.TS.Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Toạ đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới" do Nhadautu.vn tổ chức.

FDI: đóng góp lớn, nhưng...

Theo ông Thắng, giai đoạn vừa rồi FDI đã đáp ứng tốt mục tiêu thu hút vốn, giải quyết lao động... nhưng 2 mục tiêu được đặt ra ngay từ đầu là thu hút công nghệ cao và sự lan tỏa sang DN trong nước thì còn xa kỳ vọng.

Vấn đề ông Thắng nói cũng chính là vấn đề được bàn đến lâu nay và là nguyên cớ để cuộc tọa đàm được tổ chức. Tại tọa đàm, khẳng định vai trò của FDI, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Sau 3 thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ khối FDI. FDI đã chiếm tới 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu.

“Đây là con số chứng minh cho kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn bộc lộ một số mặt còn hạn chế, tồn tại như vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường”, ông Quang phát biểu.

Vì vậy, cần phải có sự thay đổi về định hướng và chính sách thu hút FDI để nguồn vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam với đúng những kỳ vọng mà Việt Nam trông đợi. Góp ý kiến cho định hướng mới, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trước hết cần tiếp tục bàn thêm về động lực thu hút FDI bởi sau 30 năm những yếu tố động lực thúc đẩy đầu tư đã khác.

“Chúng ta đã là nước thu nhập trung bình, do đó đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sẽ thế nào? Chúng ta chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế, nhưng cuộc tranh luận về thể chế để phát triển 3 đặc khu kinh tế vẫn chưa có hồi kết. Quan niệm của chúng ta còn rất khác nhau, do vậy cần có đột phá thể chế, bộ máy chính quyền khác nhau để tạo ra thể chế thông thoáng”, ông Phúc nói.

"Xây dựng 3 đặc khu kinh tế, vậy xây tổ cho Phượng hoàng nào ở?", ông Bùi Tất Thắng đặt câu hỏi. Có lẽ câu hỏi này liên quan đến nhiều ý kiến trong nước đã tỏ ra khá bức xúc gần đây vì “FDI đã được ưu đãi quá nhiều” khiến cho FDI vẫn chưa như kỳ vọng còn các DN trong nước có phần bị chèn lấn… Chính các tổ chức quốc tế cũng đã khuyến cáo về vấn đề này. Để tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư và để cạnh tranh với các quốc gia khác như Myanmar chẳng hạn cần đặt ra vấn đề ưu đãi thế nào, tạo điều kiện ra sao? Nhất là liệu những đặc khu kinh tế sẽ mở tới đây sẽ thu hút được những nhà đầu tư nào?

Thu hút FDI có chọn lọc

Vậy thu hút FDI bao nhiêu là vừa, tập trung như thế nào? Trước tiên, cần tập trung giải ngân 150 tỷ USD vốn chưa giải ngân lúc này. Có nghĩa là chúng ta nên hạn chế xúc tiến đầu tư, thu hút mới để tập trung nhiều hơn vào giải ngân số vốn đăng ký của doanh nghiệp FDI chưa giải ngân trong thời gian qua. Còn với việc thu hút đầu tư mới, các diễn giả thống nhất cao về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới là cần thu hút đầu tư có điều kiện, đặc biệt cần tập trung vào cách mạng 4.0. Về ý này, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ "cắm" được vào người Việt, doanh nghiệp Việt.

Ông Quang cho biết, trong bối cảnh mới, Việt Nam cần xây dựng một chính sách thu hút FDI với 4 điểm nhấn: Thu hút đầu tư phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường; Thứ hai là cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân sẽ tác động lớn tới chính sách thu hút vốn ngoại trong thời gian tới; Thứ ba, trình độ kinh tế của chúng ta đang tạo ra yêu cầu hoàn toàn khác đối với FDI, thay vì số lượng như trước, nay cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng và phát triển bền vững; Thứ tư, cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Không phải phát triển chưa cao thì không tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 được mà vẫn có thể tham gia nếu đi đúng “ngách”. Khu vực FDI đã là một trong những đầu tàu phát triển của nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua và sẽ tiếp tục là động lực giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, FDI đang ghi nhận xu hướng đặc biệt với sự gia tăng rất nhanh của góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,16 tỷ USD từ đầu năm và đạt 5 tỷ USD trong năm nay. Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Và Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại chốt lại vấn đề: Hai nút thắt chính cần cởi bỏ là bộ máy Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức; bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả.

Vốn FDI thực hiện:

1991- 2000 đạt 19,462 tỷ USD.

2001- 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó.

2011- 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó.

Trong 26 năm từ 1991 đến 2017 nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991- 2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991- 2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001- 2010.

Ngày đăng: 17:44 | 17/10/2017

/ Theo Thời báo Ngân hàng