Từ năm 2024, Việt Nam cũng phải chịu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Khi đó, Việt Nam không còn lợi thế về ưu đãi thuế và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI.

Thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lo ngại thuế tối thiểu toàn cầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa tổ chức đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%.

Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.

“Nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, thì tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho doanh nghiệp, ví dụ như miễn thuế, thuế suất ưu đãi thuế dưới 15% sẽ không còn tác dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện thu hút đầu tư của Việt Nam”- bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không thu tăng thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng phải nộp bổ sung tại các nước khác. Do vậy, việc Việt Nam cần phải điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam.

Để ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ngày 4-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

Tại nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… đều đã thông qua chính sách thuế này. 

Ông Đỗ Văn Sử- Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư.

Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Tuy mức thuế suất phổ thông là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu; song trong một số trường hợp, các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17% được áp dụng tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư.

Đáng lưu ý, một số nhà đầu tư được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về lợi thế lao động, tiềm năng tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường… Ưu đãi thuế dù không phải yếu tố quan trọng nhất trong thu hút FDI nhưng lại là “chất xúc tác” quyết định đầu tư.

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã nêu các kiến nghị cụ thể.

Ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, thời gian tới, các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp để góp phần hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn hình ảnh ổn định của môi trường đầu tư của Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

https://www.anninhthudo.vn/thu-hut-fdi-cua-viet-nam-co-the-bi-anh-huong-boi-thue-toi-thieu-toan-cau-post534445.antd

Ngày đăng: 09:23 | 21/03/2023

Hà Linh / ANTD