Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có quyết định thu hồi 1.126 phù hiệu, biểu hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ thông qua dữ liệu được trích xuất trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của Cục Đường bộ Việt Nam.
Điều đáng chú ý là những vi phạm này xảy ra từ tháng 12 của năm 2023, thế nhưng đến đầu tháng 4 năm 2024, quyết định thu hồi phù hiệu của các đơn vị vi phạm mới được tiến hành. Chính sự “trễ” này có góp phần tạo nên sự “nhờn luật”của doanh nghiệp?
Hơn 1.100 phù hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ trong 1 tháng
Theo quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, những phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống) trong 1 tháng sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu.
Từ quy định này, theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trong tháng 12/2023, có 1.126 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ của các doanh nghiệp nhận được yêu cầu thu hồi. Đáng chú ý có nhiều nhà xe vi phạm tốc độ hàng trăm, hàng nghìn lần trong tháng 12/2023, điển hình như xe đầu kéo của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Bông Sen vi phạm tốc độ 1.063 lần trong 1 tháng; 4 xe vi phạm tốc độ từ 800 lần trở lên trong vòng 1 tháng gồm: Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Trường Hải có 2 xe tải vi phạm tốc độ lần lượt là 976 và 901 lần; xe hợp đồng của Công ty cổ phần Inter Bus Line vi phạm tốc độ 845 lần; xe container của Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải xe Đại Nam vi phạm 842 lần. Xe container của Công ty CP chuỗi cung ứng AVS vi phạm tới 257 lần. Cũng nhà xe này có thêm 4 xe nữa vi phạm lần lượt là 117, 116, 89 và 72 lần. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có xe đầu kéo vi phạm như Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ vận tải Quang Minh với 197 lần; xe đầu kéo 29C-47111 của Công ty TNHH dịch vụ vận tải và thương mại Gia Lê với số lần là 133…
Không chỉ xe tải, xe khách hay xe container mà ngay cả xe hợp đồng cũng có nhiều vi phạm. Trong đó phải kể đến 13 xe của Công ty TNHH VTHK Long Giang với số lần vi phạm nhiều nhất lên tới 263 lần/tháng (xe BKS 29B-17916); thấp nhất là 46 lần/tháng (xe 27B-117954)…
Sau khi “bêu tên” trong danh sách thu hồi, Sở GTVT đã yêu cầu các phương tiện vi phạm phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu về Sở. Đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng các phương tiện nêu trên để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện đó bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu; đồng thời, phải tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải tổng hợp báo cáo việc chấn chỉnh, khắc phục vi phạm tại đơn vị.
Vì sao lại có chuyện “nhờn luật”?
Theo Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi tháng có khoảng 700-800 phương tiện kinh doanh vận tải bị Sở thu hồi phù hiệu, biển hiệu do vi phạm tốc độ chạy xe. Tuy nhiên, ngay sau khi hết "án phạt", nhiều phương tiện tiếp tục tái phạm. Vậy đâu là nguyên nhân tạo nên sự “nhờn luật” này?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho hay, lý do đơn vị chức năng ban hành quyết định thu hồi muộn là phải theo đúng quy trình. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng gửi thông báo cho doanh nghiệp, rồi chờ doanh nghiệp giải trình, sau đó mới ban hành quy định. Lý giải thêm về việc giải trình, ông Tuyển thông tin, hiện hệ thống biển báo đường bộ nhiều nơi đã có thay đổi, nhất là về vấn đề tốc độ. Do đó, để không xử lý nhầm phương tiện, Sở GTVT thường hay để cho doanh nghiệp có thời gian phản hồi. “Đây cũng là “kẽ hở”, vì nhiều doanh nghiệp nhận được thông báo sau đó lại “bơ đi”, ông Tuyển thừa nhận.
Khi đặt vấn đề không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do lỗi của tài xế đi vượt quá tốc độ, vậy làm thế nào để cảnh báo ngay, trong khi văn bản xử lý của sở, ban, ngành thường chậm? Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc cảnh báo ngay khi nhận thấy dấu hiệu vi phạm của lái xe là trách nhiệm chính của bộ phận an toàn tại mỗi doanh nghiệp. Song, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng làm tốt việc này. Trong năm vừa qua, đoàn thanh tra của Sở cũng đã xử lý nhiều đơn vị vi phạm vấn đề này.
Nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp giải quyết vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm từ chối kiểm định cho các phương tiện khi chủ phương tiện chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố phối hợp quản lý không cấp đổi giấy phép lái xe cho lái xe khi chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các lái xe cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày đăng: 09:37 | 10/04/2024
Phạm Huyền / cand.com.vn