Tuần tới, Mỹ sẽ công bố GDP quý III được dự báo chưa từng có tiền lệ, phản ánh mức tăng không tưởng với 30% hoặc hơn.
Con số này sẽ được công bố trong bối cảnh Mỹ đang quay cuồng trong đại dịch, suy thoái và 12,5 triệu người thất nghiệp. Tuy nhiên, bất chấp mâu thuẫn này, báo cáo vẫn đến vào thời điểm thuận lợi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi chỉ 5 ngày sau đó, cuộc bầu cử sẽ diễn ra. Việc nước Mỹ và các cử tri phân tích tin tức này thế nào có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.
"Dù số liệu này gần như vô nghĩa, nó vẫn sẽ giúp Trump có thêm chút lợi thế", Steve Blitz - kinh tế trưởng tại TS Lombard nhận định, "Ông ấy sẽ nói: ‘Thấy chưa, tôi nói rồi mà, chúng ta đang hồi phục theo hình chữ V và đang vọt lên".
Dù vậy, từ "vọt lên" này cũng chỉ mang tính tương đối. Bộ Thương mại Mỹ tính toán GDP theo cách so với quý trước rồi điều chỉnh về cơ sở hàng năm. Vì thế, việc Fed Atlanta dự báo mức tăng GDP 35% trên nền mức giảm 31,4% quý II là điều rất dễ hiểu. Mỹ trước đó đã phải tạm dừng hàng loạt hoạt động để ngăn đại dịch lây lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tại Arizona ngày 19/10. Ảnh: Reuters |
Giới phân tích nhận định các hoạt động vẫn đang có mức tăng trưởng tốt. Kinh tế Mỹ đã lấy lại 4 triệu việc làm trong quý III, sau khi tạo thêm 7,5 triệu việc làm trong tháng 5 và 6. Doanh số bán nhà và niềm tin xây dựng cũng ấn tượng. Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 1,9%, vượt dự báo của Wall Street.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng lạc quan. Chỉ số CEO Confidence của Conference Board - đo mức độ lạc quan của các lãnh đạo công ty, đã tăng lên 64 trong tháng 9, từ 45 trước đó. 70% người tham gia cho biết tình hình kinh tế khá hơn 6 tháng trước, so với chỉ 8% hồi đầu quý III. 64% cho rằng tình hình kinh tế sẽ cải thiện trong 6 tháng tới. Chỉ 15% dự báo tệ đi.
"Các CEO bước vào quý IV với tâm lý lạc quan hơn đầu năm", Dana Peterson - kinh tế trưởng tại The Conference Board cho biết, "Đáng chú ý là tình trạng thiếu hụt nhân tài đã dịu bớt sau Covid-19 và gần hai phần ba lãnh đạo dự báo việc thu hút nhân lực chất lượng sẽ gặp rất ít khó khăn. Dù vậy, bất ổn quanh đại dịch và sau đó vẫn là một rủi ro cho quý IV và năm sau".
Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra sau số liệu quý III ấn tượng này?
Không ai nghĩ rằng Mỹ sẽ duy trì được tốc độ tăng đó. Điều đáng quan tâm là nền kinh tế sẽ mất bao lâu để quay về trạng thái bình thường. Quan chức Fed thường xuyên khẳng định việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đại dịch, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về mức độ thiệt hại vĩnh viễn.
"Anh sẽ duy trì đà tăng đó thế nào? Chúng ta đều biết mình không thể tăng tiếp 30% trong quý này nữa. Con số này sẽ thấp hơn rất nhiều", Blitz cho biết, "GDP hiện bị áp trần ở mức thấp hơn, do các hoạt động kinh tế vẫn còn bị ảnh hưởng bởi virus".
Fed dự báo GDP năm nay của Mỹ giảm 3,7%. Đây sẽ là mức giảm năm lớn nhất kể từ Thế chiến II. Nhưng đến năm 2021, kinh tế Mỹ được dự báo tăng 4% - lớn nhất kể từ năm 2000.
Giữa hai kết quả đó là mức độ bất ổn lớn có thể làm suy yếu đến cam kết của Trump về một nền kinh tế vững mạnh hồi sinh từ đại dịch.
Ngược lại, tăng trưởng vẫn có thể mạnh hơn nếu các biện pháp chữa trị Covid-19 tiếp tục cải thiện và vaccine được sử dụng rộng rãi, cũng như Quốc hội Mỹ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn."Trên giấy tờ, GDP quý III có vẻ rất mạnh. Nhưng tôi nghĩ rằng nó chỉ là lớp ngụy trang cho sự yếu kém bên dưới", Deepak Puri - một lãnh đạo tại Deutsche Bank Wealth Management - cho biết, "Khi nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy một số ngành vẫn đang chật vật. Một số bộ phận trong nền kinh tế đã bị tàn phá nghiêm trọng".
Từ quan điểm của một nhà đầu tư, Puri cho biết sự thiếu chắc chắn về tương lai, trong đó có cả yếu tố chính trị, khiến Deutsche Bank khuyên nhà đầu tư giảm tỷ trọng của cổ phiếu Mỹ trong danh mục. Nhiều bất ổn pháp lý khác và cấu trúc thuế trong trường hợp đảng Dân chủ nắm cả hai viện cũng khiến họ thận trọng.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo mặt tốt, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được dự báo tăng lên cũng sẽ làm lợi cho nhiều ngành. "Kết quả nào cũng có có rủi ro và lợi ích riêng, nhưng nó nghiêng về các ngành cụ thể hơn", Puri cho biết.
"Các dự báo lạc quan nhất đang giả sử không có thiệt hại vĩnh viễn với các hoạt động kinh tế", Blitz nói, "Nếu nói rằng 3 năm nữa sẽ là chương mới trong lịch sử nước Mỹ, tôi hoàn toàn tin tưởng. Nhưng sẽ không phải là ngày mai, tuần tới hay tháng tới đâu. Liệu có phải một năm từ bây giờ không? Hay hai năm? Tôi không biết. Tôi thậm chí không dám đoán trước".
Hà Thu (theo CNBC)
Ngày đăng: 14:40 | 21/10/2020
/ vnexpress.net