Bộ Công thương đưa ra 4 kịch bản giá điện năm 2019, bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã công bố giá thành điện của năm 2017 trên cơ sở xem xét kỹ và kiểm toán độc lập. Theo đó, tổng doanh thu bán điện năm 2017 từ điện của EVN là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng.
"Như vậy kinh doanh điện đang bị lỗ. Tuy nhiên, EVN có thêm một số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện. Ngoài ra năm 2017, EVN có khoản chênh lệch tỷ giá 5.117 tỷ đồng, và nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng", ông Hải giải thích.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải |
Về kịch bản điều hành giá điện, Thứ trưởng Công Thương cho biết, "Hiện chúng tôi đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường; kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thuỷ điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm. Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo dúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện", ông Hải nói.
Theo đó, sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.
"Có thể khẳng định sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực. Chúng tôi cũng khẳng định các phương án cung cấp điện đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du của các hồ thuỷ điện trong mùa khô 2019 mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc Bộ", Thứ trưởng Công thương cho hay.
Qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ KWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất bảo đảm đủ điện trong năm 2019.
Nói về việc không đủ than để cho sản xuất nhiệt điện, Thứ trưởng Công thương giải thích, do năm 2018 lượng nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt làm ảnh hưởng đến thuỷ điện, trong khi giá than thế giới cao hơn trong nước nên một số nhà máy nhiệt điện không mặn mà nhập khẩu.
"Chúng tôi phải khẳng định thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, nếu trong trường hợp trong nước không đủ than thì phải nhập than. Quan trọng nhất là chúng ta phải khẳng định luôn luôn bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt", ông Hải nhấn mạnh.
Thu Hằng - Hồng Nhì
\'Điện vẫn đủ cho năm 2019 nhưng giá có thể tăng\'
Đại diện Bộ Công Thương và EVN đều cho rằng áp lực phải tăng giá điện trong năm 2019 ngày một hiện hữu. |
Ngày đăng: 10:00 | 04/12/2018
/ Vietnamnet