Các cán bộ lãnh đạo ở Đà Nẵng nếu xin về hưu non sẽ được trợ cấp lên tới 200 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Thông tin về hưu non “có thưởng” cho lãnh đạo ở TP Đà Nẵng đang khiến dư luận xôn xao bàn tán. Theo đó, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết đã dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ. Dự kiến nghị quyết này sẽ trình tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 9-7.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng có tuổi đời trên 55 tuổi đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ, gồm: cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) Thành ủy, HĐND, UBND. Cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp TP thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Theo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cán bộ xin thôi việc sẽ được hưởng chế độ chung theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ. Ngoài ra, còn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ. Cụ thể: cán bộ là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng.
Các mức tiếp theo, người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng, hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên là 140 triệu đồng, hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,6 là 120 triệu đồng, hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3 là 100 triệu đồng.
Nhiều người ngạc nhiên với dự thảo nghị quyết này, người thì khen rằng đó là cách làm sáng tạo của Đà Nẵng để nhanh chóng tạo điều kiện cho người trẻ được làm lãnh đạo. Nhưng trái lại, có khá nhiều người phản đối với lý do: nguồn tiền từ đâu, nếu lấy tiền ngân sách để “thưởng” cho các lãnh đạo tự nguyện về hưu cho 1 thế hệ lãnh đạo mới lên thì giải quyết được gì?
Trong khi đó, mới đây, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính thông báo 1 con số giật mình, đó là so sánh sau 20 năm (1997-2017), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng 100%, trong khi dân số chỉ tăng 20%. Cụ thể, năm 1997, cả nước chỉ có 1.351.900 cán bộ công chức nhưng 20 năm sau, con số này tăng lên 2.726.917 người, tăng 100%, trong khi dân số chỉ từ 77 triệu lên 92 triệu người, tăng 20%.
Chỉ một con số tăng trưởng đó đã cho thấy, bộ máy cán bộ công chức, viên chức của chúng ta đã tăng trưởng vượt bậc đến thế nào, bỏ xa tỷ lệ tăng dân số. Thật đáng ngạc nhiên, dân số chỉ tăng 20%, ấy thế mà lượng cán bộ công chức lại tăng gấp 5 lần.
Chúng ta đã nói rất nhiều về việc phải cấp thiết giảm biên chế để tinh gọn bộ máy, đỡ cồng kềnh, đỡ phải trả lương ngân sách. Nói là giảm nhưng có giảm được đâu?
Giảm thế nào được khi trong một cơ quan, ông đứng đầu kéo theo họ hàng bên nội bên ngoại vào làm cùng, xếp ở vị trí ngon hưởng lương cao. Giảm thế nào được khi trong nhiều huyện có tình trạng “cả họ làm quan”? Giảm thế nào được khi tình trạng cả họ làm quan này cũng phát hiện được ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước? Có ai lại đi lấy cưa mà cưa chân chính mình? Có ai ký quyết định sa thải được họ hàng người thân của mình? Ấy là còn chưa kể những mối quan hệ nhằng nhịt kiểu “chú Bảy thử đuổi việc con chú Ba xem, chú Ba sẽ sa thải vợ chú Bảy ngay lập tức”.
Và bây giờ, ở Đà Nẵng lại còn có chuyện “nghỉ hưu non có thưởng”.
Chuyện thưởng tiền để về hưu non này đã cho thấy sự khó khăn trong việc tinh giản bộ máy biên chế nhà nước đến thế nào. Và tỷ lệ tăng 100% số lượng cán bộ công chức sau 20 năm kia e rằng sẽ còn tăng ấn tượng hơn nữa.
Ngân sách gánh thêm gần 860 tỷ trả lương vì biên chế vượt 78.000 người
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt địa phương, bộ ngành tùy tiện tuyển dụng công chức, viên chức, khiến ngân sách phải gánh ... |
Vì sao nhân tài ở Đà Nẵng thôi việc?
Không được bố trí công việc phù hợp, lương thấp, nhiều nhân tài theo Đề án 922 của thành phố mãi làm việc với vị ... |
Vẫn lo biên chế và thu ngân sách
Các bộ - ngành, địa phương tuyển vượt 5.087 biên chế, sử dụng lao động vượt quy định 63.279 người làm tăng chi ngân sách ... |
Ngày đăng: 17:00 | 30/06/2018
/ Đất Việt