“Cuộc chiến” chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang bước vào giai đoạn có tính quyết định, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus Corona (nCoV-2) lên mức “rất cao”.

 

Nhân viên y tế Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại một khu dân cư ở thành phố Daegu, nơi phát hiện các trường hợp có triệu chứng nhiễm Covid-19

Dịch bệnh 100 năm mới có một lần

Dù chưa dùng đến từ “đại dịch” nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận: “Chúng ta giờ đang gia tăng mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan và nguy cơ tác động của dịch Covid-19 hiện ở mức rất cao trong cấp độ toàn cầu”. Theo ông Tedros, đây là “mối quan ngại rõ ràng”.

Với hơn 82.000 người nhiễm nCoV-2, trong đó có hơn 2.800 trường hợp tử vong, dịch Covid-19 đã vượt qua tác động của dịch SARS năm 2002 - 2003. Chứng kiến những gì đang diễn ra, tỷ phú Mỹ Bill Gates cho rằng dịch Covid-19 có thể là dịch bệnh 100 năm mới xuất hiện một lần và thế giới cần ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả.

Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc tháng 12-2019, giờ đây virus Corona đã lan khắp toàn cầu, xuất hiện ở mọi châu lục ngoại trừ Nam cực. Theo cập nhật của WorldOMeters, tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giữa đỉnh điểm của dịch Covid-19, nhiều vấn đề mới xuất hiện khiến người ta bất ngờ. Châu Âu lâu nay vốn tự hào về hệ thống y tế hoàn thiện của mình, thế mà giờ đây bó tay trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. Tại Italy, số trường hợp dương tính với virus Corona đã vượt quá 1.000 người, biến nước này thành “điểm nóng” Covid-19 lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Vì dịch bệnh, nhiều công việc quan trọng cũng như nhịp sống thường ngày bị đảo lộn. Mỹ thông báo có thể phải hoãn cuộc họp với lãnh đạo các nước ASEAN, dự kiến diễn ra vào 14-3 tới tại Las Vegas, do lo ngại về tình hình dịch Covid-19. Indonesia thì đóng cửa Đại sứ quán của nước này tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc để phòng dịch. Giải bóng đá vô địch hạng nhất quốc gia Italy (Serie A) phải lùi cả thời điểm tổ chức 5 trận đấu trong khuôn khổ giải vì lo dịch bệnh lây lan.

Trong lĩnh vực kinh tế, nếu như trước đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, thì nay các dự báo không còn lạc quan như vậy. Chỉ trong vòng một tuần, thị trường chứng khoán thế giới đã “bốc hơi” 6.000 tỷ USD. Trong kịch bản được miêu tả là “cú sốc ngắn nhưng rất mạnh giáng lên kinh tế toàn cầu”, các chuyên gia của Oxford Economics đánh giá một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do Covid-19 sẽ khiến cả Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) suy thoái trong nửa đầu năm 2020.

Chống dịch Covid-19, cả thế giới “ra trận”

Dịch Covid-19 đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Chính vì thế, đối phó và ngăn chặn dịch bệnh chết người này không phải là công việc của riêng quốc gia hay tổ chức nào, mà đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay gánh vác của cả cộng đồng quốc tế.

Đợt chống dịch này có thể coi như một lần cả thế giới “ra trận”. Tình hình khẩn cấp nhưng không phải là vô vọng. Trước hết, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều có thể được truy lần ra nguồn gốc từ sự tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc những trường hợp có liên quan. Thêm vào đó, chưa có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan dễ dàng trong cộng đồng. Điều đó cho thấy vẫn còn cơ hội để khống chế dịch bệnh lan rộng.

Công việc bào chế vaccine Covid-19 cũng đã thu được kết quả bước đầu. Chỉ sau 49 ngày kể từ khi bộ mã gen của virus Corona được công bố bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Công ty công nghệ sinh học Moderna Therpeutics của Mỹ đã cho ra đời lô vaccine Covid-19 đầu tiên để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm trên người vào tháng 4.

Còn theo Tổng giám đốc WHO Tedros, hơn 20 loại vaccine và thuốc điều trị dịch Covid-19 đang được phát triển và thử nghiệm lâm sàng. Thế giới có thể hy vọng sẽ có kết quả tốt đẹp trong vài tuần nữa. Nếu những loại vaccine này được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên động vật, chúng có thể được thử nghiệm ở quy mô lớn hơn trên người.

Vấn đề còn lại là các nước phải cùng chung tay làm chậm lại tốc độ lây lan của virus Corona cũng như số ca mắc bệnh mới. Một trong những điều quan trọng hàng đầu để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan là phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nhiễm bện. Để làm được điều này, các quốc gia phải công khai, minh bạch tình hình dịch bệnh, đồng thời chia sẻ các thông tin, dữ liệu liên quan tới các vùng dịch hay những trường hợp mắc và nghi mắc để các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có thể theo dõi, giám sát và cách ly trong trường hợp cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa khả năng dịch bệnh lây lan.

Vấn đề quan trọng không kém là việc hợp tác, giúp đỡ những trang thiết bị y tế cũng như nhân lực chống dịch Covid-19. Một trong những nhân tố được cho là khiến dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) là do thiếu các trang thiết bị y tế và đội ngũ nhân viên y tế để phát hiện sớm các ca mắc bệnh.

Các hoạt động ủng hộ về tinh thần đã diễn ra ở nhiều nước. Ở Malaysia, một nhóm ca sĩ đã cùng nhau sáng tác và biểu diễn bài hát “Chúng ta không đơn độc” để cổ vũ người dân Trung Quốc trong “cuộc chiến” chống Covid-19. Nhóm tình nguyện viên người Trung Quốc đang sống ở thành phố Nagoya, Nhật Bản thì tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân địa phương.

Tác động của Covid-19 đến kinh tế toàn cầu qua những con số

Dịch Covid-19 đang len mọi ngõ ngách của kinh tế toàn cầu, kéo giảm doanh thu, cắt chuỗi cung ứng và xóa hàng nghìn tỷ ...

Trung Quốc có thêm 42 ca tử vong vì Covid-19, tổng số người tử vong trên toàn thế giới vượt qua mốc 3.000

Trung Quốc sáng 2/3 báo cáo thêm 42 trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới, nâng tổng số ca tử vong ở nước ...

Thêm biện pháp ngăn chặn nguy cơ Covid-19

Trước nguy cơ cao về việc dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản số 991/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực ...

Ngày đăng: 09:33 | 02/03/2020

/ anninhthudo.vn