Sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, thế giới hiện đang đứng trước “thời cơ vàng” để chấm dứt đại dịch này, một trong những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mang lại hậu quả nặng nề nhất cả về tổn thất sinh mạng và thiệt hại kinh tế cho hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Du khách quốc tế đang trở lại ngày càng nhiều khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và gỡ bỏ hầu hết các hạn chế

Vì sao có thể chấm dứt đại dịch?

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14-9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, những tín hiệu tích cực cho thấy hiện tại là thời điểm thích hợp nhất để thế giới có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 sau 3 năm. Đây được xem là nhận định lạc quan nhất của người đứng đầu tổ chức y tế lớn nhất thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 tại Trung Quốc.

Chưa khi nào thế giới lại chứng kiến một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan với tốc độ nhanh và khiến số người tử vong cao như với đại dịch Covid-19. Xuất hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 nhanh chóng lây lan ra khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này với hơn 1,4 tỷ người, tức gần 1/7 số dân trên toàn cầu.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sau đó lan rộng ra khắp thế giới, hoành hành dữ dội tại cả những nước phát triển có nền y tế hiện đại và những nước đang phát triển, chậm phát triển có hạ tầng y tế yếu kém hơn rất nhiều. Trước sự “công phá” của virus SARS-CoV-2 đáng sợ, WHO đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 1-2020 và tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào tháng 3-2020 nhằm áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt nhất cũng như nhằm huy động mạnh mẽ nhất các nguồn lực để ứng phó với đại dịch.

Tính tới nay, tức gần 3 năm kể từ khi xuất hiện tại Trung Quốc và bùng phát ra khắp thế giới, virus SARS-CoV-2 đã khiến hơn 613 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó có hơn 6,5 triệu người tử vong. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới, gây thiệt hại kinh tế vô cùng nặng nề, đặc biệt là với ngành hàng không và ngành du lịch, xóa bỏ nhiều thành tựu phát triển, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói.

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, thế giới đã huy động ở mức cao nhất có thể các nguồn lực về chuyên môn và kinh phí để sản xuất trong thời gian sớm nhất các loại vaccine phòng cũng như thuốc đặc trị với Covid-19. Tính tới nay, trên toàn cầu đang có 8 loại vaccine phổ biến được lưu hành cùng nhiều loại thuốc đặc trị.

Vaccine, thuốc đặc trị và các biện pháp phòng ngừa chính là những “vũ khí” quan trọng nhất ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, thế giới đã phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả nhằm hạn chế số ca nặng và tử vong do Covid-19 và điều này đã kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2, giảm số ca trở nặng, đặc biệt là trường hợp tử vong.

Điều đó là cơ sở để người đứng đầu WHO ngày 14-9 nhận định rằng, thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt Covid-19 kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát và được tuyên bố là đại dịch vào tháng 3-2020. “Số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu xuống thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Chúng ta đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch. Triển vọng đó đang ở rất gần” - Tổng Giám đốc WHO đưa ra nhận định lạc quan.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo WHO cũng không quên cảnh báo toàn cầu rằng, vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 do đó thế giới cần nắm bắt thời cơ để chấm dứt đại dịch. Ông khuyến cáo một cách hình ảnh về việc phải tiếp tục các nỗ lực phòng chống đại dịch: “Một vận động viên marathon sẽ không dừng lại khi vạch đích đã ở trước mắt mà sẽ dốc sức để về đích. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đã thấy vạch đích, chúng ta sắp chiến thắng. Dừng lại lúc này là điều tồi tệ nhất”.

Không chủ quan, lơ là với đại dịch 

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia được đánh giá kiểm soát tốt nhất đại dịch Covid-19 khi đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đi lại trở lại bình thường. Đây là cơ sở vững chắc để hồi phục và thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Những kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine và các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128 ban hành tháng 10-2021. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, song không phải vì thế mà lơ là, chủ quan khi mà dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Hiện trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Đây là những biến thể của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh.

Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua liên tục có các chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch; ban hành các văn bản yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Trong thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế, thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) đưa ra vào tháng 8-2020 đã giảm còn 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) để phù hợp với thực tế hiện nay. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp “thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân” và các biện pháp khác.

https://www.anninhthudo.vn/thoi-co-vang-cham-dut-dai-dich-covid-19-post517012.antd

Ngày đăng: 13:44 | 16/09/2022

Hoàng Hà / ANTĐ