Nằm trong danh sách các “điểm đen” về ngập úng trên địa bàn thành phố, hàng loạt khu đô thị, tuyến đường thuộc khu vực phía Tây Hà Nội đang tiếp tục chịu cảnh chìm trong biển nước sau mỗi trận mưa lớn.

Các biện pháp xử lý hiện nay vẫn chỉ mang tính tình thế trong khi giải pháp căn cơ về lâu dài vẫn phải... chờ!

can-bo-truc-dieu-hanh-tai-t.jpg
Cán bộ trực điều hành tại Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Mưa lớn là ngập úng

Trước mùa mưa bão năm 2024, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội khuyến cáo về 19 điểm úng ngập phát sinh trên địa bàn thành phố khi lượng mưa hơn 70mm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong thời gian vừa qua đã gây mưa lớn vượt xa mức dự báo. Tổng lượng mưa đo được từ đêm 23 đến trưa ngày 24-7 tại quận Hà Đông lên tới 300mm. Địa bàn một số quận như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng hay các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Đông Anh, lượng mưa đều trên 200mm. Nhận xét về lượng mưa tại khu vực Hà Đông, một chuyên gia thoát nước cho biết đây là con số kỷ lục bởi xảy ra trong thời gian ngắn.

“Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng mưa tính toán là 310mm/2 ngày, nhưng trên thực tế, các trận mưa vừa qua đã lên tới trên 400mm/2 ngày, vượt qua tính toán của hệ thống thoát nước chung thành phố. Đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến nhiều khu đô thị như Dương Nội, Văn Quán, Văn Phú… gặp mưa lớn là ngập sâu 40-60cm. Một số hầm chui tại Đại lộ Thăng Long và khu vực ngã ba giao với đường Lê Trọng Tấn cũng bị nhấn chìm trong nước. Sau mưa, nước rút rất chậm, có nơi bị ngập tới 2-3 ngày”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích.

Anh Cao Hoàng Nguyên (35 tuổi, cư dân Khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức) cho biết: "Sau 3 năm sinh sống tại đây, gia đình đã khốn khổ khi phải hứng chịu cảnh ngập úng, nước rút chậm mỗi khi mưa lớn. Hệ thống thoát nước kém, hễ mưa trận nào là ngập lần đó, nước không thoát đi đâu nổi. Cứ bắt đầu mưa là nhiều nhà dùng bao cát làm đập ngăn nước hay chăng bạt để nước không vào được nhà. Tuy nhiên, nước vẫn dâng cao, tràn khắp nơi, khiến phương tiện đi lại khó khăn, đồ đạc trong nhà hư hỏng, cuộc sống đảo lộn".

Trên thực tế, một số điểm úng ngập tại khu vực phía Tây, trên Đại lộ Thăng Long, đoạn qua địa phận quận Nam Từ Liêm như ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, nút giao An Khánh từ lâu đã nằm trong danh sách các “điểm đen” về thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường, các trận mưa lớn kỷ lục được cảnh báo sẽ còn tiếp tục gây nguy cơ ngập úng kéo dài tại khu vực trên.

ngap-sau-tai-khu-do-thi-gel.jpg
Ngập sâu tại Khu đô thị Geleximco (huyện Hoài Đức) trong đợt mưa cuối tháng 7-2024. Ảnh: Cao Nguyên

Cần sớm đầu tư công trình tiêu thoát nước

Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước - Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Hoàng Thái Hà cho biết, khu vực phía Tây có cốt nền trũng, xa nguồn xả nên chỉ chịu được lượng mưa có cường độ vừa phải. Còn nguyên nhân chủ yếu gây úng ngập do các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch nên việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.

Cụ thể, kênh La Khê, đoạn qua quận Hà Đông chưa hoàn thành, dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất. Ngoài ra, lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, gây ảnh hưởng đến dòng chảy.

“Hà Nội chia ra 3 vùng để thoát nước, gồm Bắc Hà Nội, tả sông Đáy và hữu sông Đáy. Tuy nhiên, hiện nay, các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian chuyển nước ra trạm cuối nguồn còn chưa hoàn thiện. Các trạm cuối nguồn cũng chưa bảo đảm có đủ công suất, đủ mạnh để hút hết nước. Đặc biệt, còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng” - Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cùng phân tích.

Ngoài giải pháp bổ sung các trạm bơm, kết nối hệ thống thoát nước khu vực với hệ thống chung của thành phố, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trong bối cảnh hiện nay, cần phải tăng cường các ao hồ để điều tiết hệ thống thoát nước mặt cho khu vực cũng như trên địa bàn toàn thành phố. Theo tính toán, với lượng mưa lớn, Hà Nội cần 5-7% diện tích đất tự nhiên để đào hồ điều tiết nước mặt. Tuy nhiên, thành phố hiện chỉ đáp ứng 2%, tương đương 6.000ha diện tích hồ. Nhiều khu đô thị, trong đó có các đô thị ở khu vực phía Tây không bố trí quỹ đất làm hồ nhân tạo điều tiết thoát nước mưa trước khi đi ra các nguồn xả, dẫn đến úng ngập. Thêm nữa, các hồ ao cũ thiếu hoạt động duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên…

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, trước mắt, đơn vị phụ trách thoát nước tại khu vực sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy lợi khống chế mực nước sông Nhuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thoát nước. Các đơn vị đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư có công trình, dự án thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phá đập quây khi có mưa.

“Về lâu dài, thành phố cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch như các trạm bơm Nam Thăng Long, Ba Xã và hệ thống các hồ điều hòa như Cổ Nhuế 1 và 2, Phú Đô… để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho khu vực này. Đặc biệt, đối với khu vực Đại lộ Thăng Long, để bảo đảm thoát nước trong giai đoạn Trạm bơm Yên Nghĩa chưa thể vận hành đủ công suất thiết kế, cần xây dựng các trạm bơm dã chiến như Trạm bơm Đìa Sáo cuối kênh T2-4-2 nhằm hạ thấp mực nước trên kênh; Trạm bơm Đồng Tép bơm hạ mực nước kênh Đồng Tép và kênh Trung Thượng trước, trong và sau khi mưa nhằm giảm mức độ úng ngập cũng như thời gian ngập”, ông Trịnh Ngọc Sơn nêu các giải pháp căn cơ, bảo đảm thoát nước cho khu vực.

https://hanoimoi.vn/thoat-nuoc-cho-cac-khu-do-thi-phia-tay-ha-noi-van-cho-giai-phap-can-co-673977.html

Ngày đăng: 08:55 | 06/08/2024

Hồng Anh / HNM.com.vn