Đọc cái tít “ Phụ huynh khóc lóc, van xin vẫn không nộp được hồ sơ vào lớp 10 cho con ” trên Lao Động, nhiều người phải thốt lên sao cái sự học ngày nay khốn khổ đến vậy. Câu chuyện nhọc nhằn chữ nghĩa này không chỉ riêng ở Hà Nội.

thoat cong nhin tu dot tuyen sinh lop 10

Tại TPHCM, khoảng 20.000 học sinh lớp 10 không vào được trường công lập, tương tự Đà Nẵng có 4.000 em. Phụ huynh lo lắng, con cái họ bị áp lực chỉ vì hai chữ “trường công”.

Có lẽ từ lâu, chữ “công” đã ăn sâu trong não trạng của bao thế hệ, chỉ có “công” an tâm, chỉ có Nhà nước mới nuôi sống mình, cho nên “thoát công” là chết. Đất nước đã mở cửa, tư nhân hóa nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nhưng trong đầu óc nhiều người, con cái chỉ học trường công mới yên tâm.

Ít người mạnh dạn bước ra khỏi môi trường công đó, chọn cho con mình trường tư, phù hợp với thu nhập của gia đình.

Không phải trường tư nào cũng thu học phí quá cao, có những trường giá cả phù hợp. Và không phải phụ huynh nào bám trường công cũng vì không có tiền đóng học phí trường tư, mà vì họ nhất quyết cho con họ vào trường công.

Xã hội hóa giáo dục không phải chỉ ở chính sách của Nhà nước, sự tham gia của nhà đầu tư, mà còn là tư tưởng “thoát công” từ phía cộng đồng. Tất nhiên, phải có nhiều trường tư có chất lượng và mức học phí phù hợp với mặt bằng thu nhập của xã hội thì mới động viên người dân tự tin “thoát công”.

Từ “thoát công” ở cấp phổ thông trung học sẽ đến “thoát công” ở bậc đại học. Để đến lúc, Việt Nam xuất hiện những trường đại học tư tên tuổi, có chất lượng sánh ngang với các trường đại học của các nước trong khu vực. Việt Nam chưa có những trường đại học tư danh tiếng, có nguyên nhân một phần vì chưa thoát được công. Sau đại học sinh viên bước ra đời, những trí thức trẻ bỏ ngay tư duy bám bầu sữa Nhà nước, cha mẹ không phải bỏ tiền ra chạy trường công từ khi còn đi học, học xong ra trường lại bỏ tiền chạy cho vào làm công chức. Họ tự tin “thoát công”, mạnh dạn đi gõ cửa tư nhân, thi thố tài năng và khẳng định bản thân mình. Họ có thể thành đạt, giàu có mà không cần phải bám vào cửa công.

“Thoát công” dành cho cả những người đang là công chức, tuy ăn lương nhà nước nhưng nỗ lực xây dựng các chính sách ưu tiên cho khu vực tư nhân, cái gì dân làm được thì hãy để cho dân làm. Tư tưởng “thoát công” trong thiết kế chính sách sẽ loại bỏ những ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, trả lại cho đất nước môi trường kinh doanh tự do và công bằng.

Không “thoát công” trong làm kinh tế, không thể có được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

thoat cong nhin tu dot tuyen sinh lop 10 Những bất thường trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua ở Hà Nội tồn tại nhiều bất cập, từ khâu tổ chức thi đến công bố điểm ...

thoat cong nhin tu dot tuyen sinh lop 10 Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Trường tư đang tự tạo "luật chơi" riêng?

Tăng điểm chuẩn theo giờ, tặng điểm, nộp trước các khoản phí, nếu rút hồ sơ không hoàn trả… là luật chơi riêng của nhiều ...

Ngày đăng: 16:00 | 07/07/2018

/ Lao động