Những kiến thức kiểm tra ô tô cũ trước khi mua dưới đây có thể giúp ích nếu bạn đang muốn mua một chiếc ô tô cũ.

Điều đầu tiên, nên nhớ rằng xe trông như mới chưa chắc đã “ngon". Điều này đồng nghĩa với việc khi lựa chọn mua ô tô cũ, các thợ ô tô sẽ không chỉ chú ý đến vẻ bề ngoài. Bởi vì trước khi bán xe, hầu như chủ xe nào cũng sẽ cố gắng tút tát hay “mông má” để chiếc xe trở nên mới hơn và có thể che giấu những khuyết điểm hoặc các dấu tích do va chạm gây ra. Thực tế, có rất nhiều xưởng phục chế xe với trình độ cao khiến những chiếc ô tô cũ trông có vẻ mới, thực ra lại có thể sở hữu nhiều “thành tích” va chạm bất hảo.

Một chiếc xe ô tô mới và không có tiểu sử va chạm thì giá sẽ cao hơn, đó là điều đương nhiên. Và để che mắt những người ít kinh nghiệm, những chiếc xe cũ sẽ được sơn sửa lại sao cho trông như mới, không tỳ vết. Nhưng nếu là một thợ mua ô tô cũ thì lớp sơn mới hay những thao tác phục hồi nguyên trạng xe sẽ không thể qua mắt. Theo kinh nghiệm mua xe ô tô cũ, những dấu vết vẫn sẽ để lại trên xe nếu xe đã trải qua quá trình phục hồi và chính các dấu vết này trên chiếc xe sẽ giúp nhận biết những sự cố mà xe gặp phải nếu có.

1. Kiểm tra ngoại thất, nhất là màu sơn

Bước đầu tiên khi kiểm tra xe ô tô cũ, các thợ thường đánh giá tổng thể bên ngoài của xe. Việc kiểm tra tổng thể sẽ giúp nhận biết được tình trạng của xe, về lớp sơn, các dấu hiệu xe đã va chạm và việc chăm chút đến chiếc xe của chủ xe. Quan sát tổng thể bắt đầu từ việc đánh giá tình trạng sơn của xe. Lớp sơn xe nguyên bản và không có trầy xước hoặc trầy xước không đáng kể chứng tỏ chiếc xe được sử dụng cẩn thận và gần như chưa va chạm. Đối với xe đã va chạm mà chưa phục hồi thì dấu hiệu nhận biết quá dễ dàng và không phải bàn cãi.

Thợ xe chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ trước khi mua - 1

Kiểm tra kỹ màu sơn ô tô cũ. (Ảnh minh họa)

Kể cả với chiếc xe đã được phục hồi bằng cách sơn gò lại, một thợ mua ô tô lành nghề cũng không khó để nhận ra. Lớp sơn mới luôn có thể phân biệt bằng mắt thường, đặc biệt là khi nó chỉ được sơn lại một phần. Màu sắc và tính chất của vùng sơn mới sẽ dễ nhận biết, lớp sơn mới không đồng nhất với lớp sơn nguyên bản của xe về màu sắc và độ mịn. Trường hợp, nếu nắp capo được thay thế hoặc cửa xe được sơn lại thì đa phần màu sắc không thể đồng nhất được với màu ban đầu của xe. Có thể xuất hiện tình trạng có phần sáng hơn và có chỗ trông màu tối hơn. Đặc biệt, nếu được sơn lại nhiều lần, thì lớp sơn mới càng lộ, nhìn màu sắc sẽ không được sắc nét, và có nhiều bụi sơn.

Nếu xe ô tô cũ được sơn lại toàn bộ, để mắt nhìn ở góc 45 độ so với bề mặt và đánh giá lớp sơn. Với lớp sơn mới dù được sơn với công nghệ tiên tiến, tinh ý quan sát người mua vẫn sẽ nhìn thấy các bụi sơn li ti, các vết sơn chảy bám trên bề mặt. Những dấu vết này không thể tìm thấy ở sơn nguyên bản của xe.

Những chiếc xe hơi cũ đã từng va chạm tuỳ mức độ, song khi tiến hành phục hồi thì cần phải tháo rời các phần để sơn, gò chỗ bị móp méo, nắn khung lại. Sau khi được lắp ráp lại sẽ thấy các khe hở giữa cánh cửa, khe capo xuất hiện tình trạng lệch lạc và vênh nhau. Xe ô tô nguyên bản các khe nối thẳng như đường chỉ. Bởi vậy, nếu quan sát thấy các khe ráp nối trên thân xe không khớp hoàn toàn, kích thước khe hẹp không đều chứng tỏ xe đã từng được tháo các bộ phận thân vỏ. 

Tiếp theo, chú ý tới phần taplo của xe. Nếu trên taplo có vết xước, chứng tỏ chủ xe đã cho thay kính. Mà nguyên nhân thường là vì kính xe đã bị vỡ hoặc rạn. Khi đó, chú ý quan sát trên kính xe, vì đa phần nếu kính đã bị thay thế thì năm sản xuất của kính sẽ không đồng nhất với năm sản xuất của xe. Hoặc kính thay không chính hãng sẽ không có logo của nhà sản xuất.

2. Kiểm tra nội thất

Để kiểm tra nội thất xe cũ, cần quan sát tỉ mỉ từng chi tiết trong xe bao gồm: cần số, tay mở cửa, ghế, lớp da bọc nội thất xe… xem có bị bạc màu hay không? Nếu xuất hiện tình trạng bạc màu trên các chi tiết nội thất kể trên chứng tỏ chiếc xe được chủ cũ sử dụng thường xuyên.

Thực hiện các thao tác với nút bấm bên trong xe, điều khiển điều hoà, cần gạt, điều chỉnh cửa lên xuống, hệ thống đèn…Đánh giá việc xem các tính năng có hoạt động tốt không? Điều hoà có đủ độ mát hay không? Các nút điều khiển trên xe có gặp phải vấn đề nào không? Nếu các chức năng điều khiển bên trong xe gặp vấn đề thì giá trị xe cũng sẽ theo đó giảm xuống.

3. Kiểm tra khoang máy

Sau khi quan sát bên ngoài xe và nội thất bên trong, tiến hành mở khoang máy của xe. Bộ phận này chủ yếu là quan sát két nước ô tô, dầu máy và đánh giá tình trạng nguyên bản của động cơ. Quan sát két nước có đủ nước làm mát hay không? Két nước có xuất hiện các vết bám trong bình hay không? Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ chủ xe quan tâm đến bảo dưỡng xe ra sao. Nếu két nước thiếu nước thường xuyên, khiến động cơ của xe không được làm mát hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới động cơ.

Tương tự như vậy, khi mua xe ô tô cũ nên kiểm tra dầu xe. Thứ nhất là xem lượng dầu trong xe có đủ không và thứ hai là độ sạch và độ nhớt của dầu. Xe đủ dầu và được thay dầu thường xuyên mới đảm bảo bộ phận động cơ xe hoạt động tốt và ổn định.

Thợ xe chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ trước khi mua - 2

Kiểm tra khoang máy. (Ảnh minh họa)

Những con ốc vít trong khoang máy cũng là bằng chứng cho việc khoang máy của xe đã bị thợ tháo ra để sửa chữa hoặc thay thế. Những con ốc còn zin thì lớp sơn trên ốc không bị mất hoặc trầy xước, còn nếu đã dùng cờ lê để tháo thì lớp sơn này đã bị tác động. Quan sát kỹ càng để phát hiện nếu có bộ phận nào trong khoang máy trông có vẻ mới hơn chứng tỏ đã được thay thế.

4. Kiểm tra lốp xe, bánh xe và lazang

Kiểm tra lốp xe bao gồm việc đánh giá tình trạng mới của lốp xe. Các lốp xe nếu bị mòn nhiều sẽ thấy các khe trên lốp nông. Khi đó chứng tỏ là chủ xe không chú ý tới việc chăm sóc, kiểm tra xe thường xuyên. Quan sát thứ hai là đánh giá xem các lốp xe có nằm trên trục không? Các lốp xe khi đứng yên mà trục trước sau không thẳng hàng chứng tỏ xe đã có sự ảnh hưởng đến khung gầm. Và đây là hệ quả của những va chạm mạnh ảnh hưởng đến kết cấu xe. Thông thường, với các va chạm như vậy, thợ mua xe sẽ hạ giá xe rất thấp. Nhưng nếu bạn là người mua để sử dụng thì hoàn toàn không nên mua những chiếc xe này.

Tiếp theo là tiến hành kiểm tra lốp và lazang xe. Lazang xe là một bộ phận quan trọng giúp cố định lốp xe ở một vị trí khi bơm và khi lăn bánh. Do đó khi mua xe ô tô cũ khách hàng nên kiểm tra lazang có bị uốn cong, móp méo, bị gỉ sét hay xuất hiện các vết nứt hay không. Nếu có hiện tượng bị nứt hoặc mâm bị uốn cong thì cần phải thay mới để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nếu lốp có hiện tượng bị mòn, nứt thì cần phải thay lốp mới để xe chạy êm ái, trơn tru, không bị rung lắc vô lăng.

5. Kiểm tra công tơ mét có bị tua lại không

Khi mua xe ô tô cũ, thợ chuyên nghiệp thường kiểm tra xe có bị tua công tơ mét không. Cách kiểm tra thông qua màn hình hiển thị, kiểm tra lịch sử bảo dưỡng để đối chiếu số km hiển thị với tình trạng thực tế.

6. Chạy thử xe

Việc chạy thử xe giúp đánh giá tình trạng của xe về khả năng khởi động, tình trạng phanh, trợ lực lái, khả năng tăng tốc và độ trơn tru khi vào số của xe. Các trường hợp có thể gặp phải khi chạy xe cần lưu ý như: khởi động kém, đánh lái nặng, phanh không ăn, tăng tốc chậm, khói xe có màu bất thường (khói đen hoặc khói trắng), khi vào số có tiếng kêu bất thường…

Tất cả những dấu hiệu trên đều cần được chú ý, để đánh giá tốt nhất tình trạng của xe. Những lỗi về động cơ như khả năng tăng tốc, khả năng khởi động và màu khói xe…có thể là dấu hiệu của việc động cơ xe đã xuống cấp và người mua cần cân nhắc khi lựa chọn xe.

7. Cẩn trọng kiểm tra các loại giấy tờ

Khi mua xe cũ, cần thẩm định lại các giấy tờ của xe. Đầu tiên là việc xe có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay không? Nên mua các xe đã được sang tên chính chủ để thủ tục sang tên khi mua dễ dàng hơn và tránh mua phải xe có nguồn gốc không rõ ràng. Chỉ khi xe có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp pháp thì người mua mới có thể sang tên, nên việc kiểm tra giấy tờ xe là rất quan trọng. Kiểm tra các giấy bảo dưỡng, bảo hành của xe. Kiểm tra lịch bảo dưỡng của xe để biết thói quen sử dụng xe của chủ cũ.

Đặc biệt phải kiểm tra số VIN xe để đối chiếu thông tin xe trên mạng - yếu tố nhận diện xe dễ dàng. Đây là một dãy gồm 17 chữ số và phải trùng với số VIN trên trang web tra cứu. Dựa vào số VIN, khách hàng có thể xem được thông tin của xe như năm sản xuất, nhà sản xuất, thương hiệu sản xuất… 

8. Kiểm tra phạt nguội, tai nạn

Bên cạnh việc kiểm tra giấy tờ, người mua cũng nên kiểm tra phạt nguội xe, lịch sử quá trình sử dụng để xem xe có từng gặp tai nạn, va chạm hay không. Hiện nay khách hàng có thể kiểm tra phạt nguội ô tô online nhanh chóng chính xác tại nhà.

Khi mua xe ô tô đã qua sử dụng, khách hàng cần cảnh giác với việc xe bị tai nạn hay không. Để kiểm tra vấn đề này khách hàng nên dựa vào các vị trí dễ hư hỏng như sơn xe, cốp xe, nắp capo và hệ thống động cơ.

9. Kiểm tra có phải xe từng chạy dịch vụ không

Thông thường, đối với các xe từng sử dụng để chạy dịch vụ sẽ có chất lượng thấp hơn do thời gian sử dụng lâu và liên tục. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành của động cơ và hư hao nội thất, gây tốn kém chi phí bảo dưỡng sau khi mua lại xe.

10. Kiểm tra xe ô tô cũ có từng bị thủy kích không

Thủy kích là một trong những hiện tượng làm lái xe phải lo lắng nhất khi di chuyển qua vùng ngập nước hoặc trời mưa lớn. Xe bị thủy kích sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ động cơ và có chi phí sửa chữa cao. Để nhận biết điều này người mua có thể kiểm tra bằng cách khởi động và nghe tiếng máy.

Thợ xe chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ trước khi mua - 3

Ảnh minh họa: VnExpress

Tiếng máy nổ có tiếng ồn lạ hay mùi khó chịu kèm theo; Kiểm tra bảng điều khiển có hiển thị đầy đủ không; Kiểm tra phần đài đĩa, màn hình xe có bắt sóng tốt không; Kiểm tra hệ thống âm thanh bằng cách bật to trong một phút. Nếu xe bị ngập nước thì hệ thống màng loa bị rè khi phải hoạt động với công suất tối đa.

11. Cách tính khấu hao xe ô tô đã sử dụng

Có nhiều cách tính giá trị xe cũ như tính giá trị thương hiệu và cấp độ hao mòn, tính giá trị xe theo số năm đã sử dụng. Tùy từng trường hợp mà có cách tính khác nhau. Cách tính khấu hao xe cũ để xác nhận đúng giá trị xe được chia thành 2 công thức áp dụng phổ biến trên phạm vi thế giới và thị trường Việt Nam mà bạn đọc có thể tham khảo dưới đây:

- Thế giới: 10% x Giá bán xe lăn bánh x Số năm sử dụng xe

- Việt Nam: (Dao động 7 - 10%) x Giá bán xe lăn bánh x Số năm sử dụng xe

Trong đó: Giá bán xe lăn bánh = Giá niêm yết + Chi phí đăng ký xe ô tô + Các chi phí khác

https://vtc.vn/tho-xe-chia-se-kinh-nghiem-kiem-tra-o-to-cu-truoc-khi-mua-ar770896.html

Ngày đăng: 08:33 | 10/05/2023

CÔNG HIẾU / VTC News