Theo thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf cho nước này từ đầu tháng 7/2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, sau khi nhận hệ thống S-400 Triumf thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa tổ hợp vũ khí tối tân này vào vận hành ngay lập tức do kíp điều khiển của họ đã trải qua quá trình huấn luyện bên Nga từ lâu.
Vấn đề được quan tâm hiện nay đó là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này ở đâu, để bảo vệ Ankara hay một trọng điểm công nghiệp và quân sự nào đó?
Nhưng một trong các ý kiến đáng quan tâm đó là Thổ sẽ dùng ngay S-400 để thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Idlib.
Từ lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi khu vực miền Bắc Syria là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mình và công khai hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập tại đây, họ liên tục viện trợ vũ khí tối tân thách thức chiến dịch quân sự của Nga - Syria và thậm chí để ngỏ khả năng đưa quân vào Idlib như đã từng thực hiện tại Afrin.
Nếu như tình huống xấu nhất xảy ra đó là Thổ Nhĩ Kỳ đưa ngay S-400 tới Idlib để thiết lập vùng cấm bay thì có lẽ Nga cũng phải im lặng, bởi họ chẳng đưa ra được phản ứng nào đáng kể khi Ankara liên tục cung cấp tên lửa phòng không tối tân cho phiến quân, thậm chí đã có trường hợp sử dụng tên lửa Yerli để bắn hạ chiếc Su-25SM3.
Nga rõ ràng biết chắc chắn những quả tên lửa Yerli trong tay phiến quân nổi dậy tới từ đâu, họ hiểu rằng máy bay của mình không có khả năng chống trả đòn tấn công của loại MANPADS có chức năng bắt tia UV độc nhất vô nhị này do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Tuy nhiên bất chấp việc bị "đâm sau lưng", Nga vẫn phải nhún nhường đối với Ankara vì họ cần Thổ Nhĩ Kỳ trong bàn cờ địa chính trị khu vực Trung Đông cũng như phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt chảy qua nước này đang trong quá trình xây dựng.
Trong trường hợp xấu nhất đó là Thổ Nhĩ Kỳ dùng S-400 để khống chế bầu trời Idlib thì nhiều khả năng Nga cũng phải chấp nhận và hạn chế các chuyến bay tại đây, đồng thời phó mặc lại cho Không quân Syria giải quyết chiến trường.
Rất khó để Nga có thể can thiệp kỹ thuật nhằm khiến cho S-400 không bắn trúng máy bay của mình, ví dụ có thể thấy rất rõ đó là cuộc xung đột Gruzia năm 2008, khi đó thậm chí cả máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 cũng bị Buk-M1 từ thời Liên Xô bắn hạ.
Chí Linh
Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ tối hậu thư Mỹ, chuẩn bị nhận tên lửa S-400
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 "nhiều lợi ích" từ Nga, bất chấp sức ... |
Thổ Nhĩ Kỳ dọa đáp trả nếu bị Mỹ cấm vận vì hợp đồng S-400
Ankara cảnh báo sẽ trả đũa tương xứng với mọi động thái tiêu cực, khẳng định không từ bỏ thương vụ mua tên lửa S-400 ... |
Ngày đăng: 16:40 | 21/06/2019
/ http://baodatviet.vn