Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích khu vực quanh tiền đồn gần thị trấn Kobani để buộc đặc nhiệm Mỹ lùi xa biên giới phía bắc Syria, sĩ quan Mỹ nói.
Một sĩ quan Mỹ đồn trú tại khu vực đông bắc Syria cho biết nhiều quả đạn pháo 155 mm hôm 11/10 được bắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới. Những quả đạn rơi xung quanh đồn tiền tiêu của Mỹ gần thị trấn Kobani được bắn theo kiểu quan trắc để hiệu chỉnh mục tiêu.
"Đó không phải điều chúng tôi từng làm với các lực lượng đối tác. Thổ Nhĩ Kỳ biết trên đồi có các binh sĩ Mỹ, chúng tôi đã ở đó trong nhiều tháng bởi đó là vị trí quan sát tốt nhất trong toàn bộ khu vực. Họ cố tình làm như vậy", sĩ quan Mỹ cho biết.
Vụ pháo kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tối 11/10 chỉ dừng lại khi Mỹ cảnh báo rằng đạn rơi quá gần vị trí của lực lượng nước này. Các binh sĩ rút khỏi tiền đồn sau vụ pháo kích rồi quay lại vào ngày 12/11, một quan chức Mỹ cho biết.
Đồn tiền tiêu của đặc nhiệm Mỹ gần thị trấn Kobani, Syria một ngày sau trận pháo kích hôm 11/10. Ảnh: AFP. |
"Lực lượng Mỹ bị pháo kích nhưng không có ai bị thương. Có một vụ nổ xảy ra. Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tránh các hành động có thể dẫn đến các biện pháp phòng thủ ngay lập tức", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Brook DeWalt cho biết.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo ngày 11/10 cho biết lực lượng của họ không pháo kích vị trí của quân đội Mỹ mà chỉ tự vệ sau khi một trong các đồn biên phòng của nước này bị tấn công. Tuy nhiên một số quan chức Mỹ nhận định tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều.
"Đây không phải một sai lầm. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ lùi xa biên giới 30 km. Dựa vào những thông tin đang có, đây là vụ pháo kích cảnh cáo nhằm vào một địa điểm Thổ Nhĩ Kỳ đã biết có lực lượng Mỹ, không phải những phát pháo vu vơ", cựu đặc phái viên phụ trách chiến dịch chống IS Brett McGurk cho biết.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói Lầu Năm Góc đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ vị trí lực lượng Mỹ. "Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đã tới gần hơn những gì chúng ta muốn. Dù đó là vô tình hay hữu ý, điều này chắc chắn mang đến thêm rắc rối", quan chức này cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tại đông bắc Syria ngày 9/10 nhằm vào vị trí của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng bị nước này coi là khủng bố. YPG từng là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhà Trắng cho biết sẽ rút quân và không can thiệp vào chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump nói muốn "đưa nước Mỹ ra khỏi những cuộc chiến vô lý kéo dài". Tuy nhiên, sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích vì "bỏ rơi" đồng minh người Kurd, Trump thay đổi thái độ, dọa sẽ "hủy diệt" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ "làm quá tay" ở Syria.
Trump sau đó hứa không bỏ rơi đồng minh người Kurd ở Syria và hy vọng Mỹ có thể trở thành trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Nguyễn Tiến (Theo WP)
Mỹ phủ nhận "bật đèn xanh" cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho biết Lầu Năm Góc đã dùng mọi biện pháp để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân ... |
Thổ Nhĩ Kỳ quyết không ngừng chiến dịch tấn công người Kurd
Tổng thống Erdogan khẳng định quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria bất chấp đe dọa ... |
Quân Mỹ hứng pháo kích từ Thổ Nhĩ Kỳ
Quân Mỹ đóng gần thị trấn biên giới Kobani hứng pháo kích từ các vị trí gần đó của Thổ Nhĩ Kỳ tối 11/10, không ... |
Ngày đăng: 08:10 | 13/10/2019
/ vnexpress.net