Nghề làm vàng mã ở nhiều quốc gia như Malaysia, Trung Quốc đang ở những ngày tất bật khi mùa cúng rằm tháng 7 đang vào cao điểm.
Giống như Việt Nam, tháng 7 âm lịch là thời điểm bận rộn nhất trong năm với các thợ làm vàng mã ở Malaysia. Do có tập tục cúng cô hồn như người Trung Quốc, nên nghề làm vàng mã ở xứ cọ dầu thường ăn nên làm ra vào thời điểm này trong năm.
Tại các xưởng vàng mã ở Malaysia, các đơn đợt hàng nhiều nhất vào dịp này là các ông Tiêu Diện, vị thần chuyên thu phục ma quỷ theo quan niệm từ người Hoa. Mỗi ông Tiêu Diện cần 2 tuần để hoàn thành nhưng chỉ mất chưa tới vài phút để thiêu rụi.
Ông Koh, một thợ làm vàng mã lâu năm nói rằng các khách hàng của ông chủ yếu tới từ Langkawi và Kuala Lumpur đều là các khu vực tập trung đông người Hoa sinh sống.
Xưởng của ông Koh bội thu với các đơn hàng vào tháng 7 âm lịch. (Ảnh: Channel News Asia) |
Ở Trung Quốc, các thợ thủ công cũng đang miệt mài hoàn thành những sản phẩm cuối cùng khi mùa cúng cô hồn đang bước vào những ngày cao điểm nhất.
Tại Bắc Kinh, thành phố hiện đại bậc nhật Trung Quốc, truyền thống đốt vàng mã vẫn chưa có dấu hiệu mai một.
"Nhiều khách hàng đến đặt tôi làm cả ngân hàng, sân khấu nhà hát hoặc bất cứ điều gì người thân quá cố của họ từng yêu thích. Công việc này hết sức thú vị và không có bất cứ rào cản nào”, một thợ làm vàng mã ở Bắc Kinh chia sẻ.
Những năm gần đầy, thị trường vàng mã của Trung Quốc trở nên sôi động hơn với hàng loạt những mặt hàng độc, lạ mới như thức ăn thực dưỡng, thẻ ngân hàng, Iphone, đồng hồ thông minh...
Tương tự ở Hong Kong, những con phố bán đồ hàng mã tại đặc khu này cũng tấp nập hơn rất nhiều mỗi độ tháng 7 âm lịch về. Do người Hong Kong thường sống trong các căn nhỏ nên loại hình nhà này là một trong số những vật phẩm được gửi gắm người nhất tới "âm phủ" trong rằm tháng 7.
Một cửa hàng vàng mã ở Hong Kong. (Ảnh: WSJ) |
Giá của một căn hộ dạng này rơi vào khoảng 6 USD, chỉ bằng 1/3 so với một mô hình biệt thự cao tầng.
Tuy nhiên, cũng giống ở như ở Việt Nam, vấn đề đốt vàng mã, đặc biệt là vào rằm tháng 7 và nhiều dịp lễ khác đang trở thành chủ đề gây tranh cãi tại nhiều nước.
Từ năm 2013, Tổng hội Phật giáo Malaysia ban hành tuyên bố thông báo khuyến khích người dân hạn chế đốt vàng mã để bảo vệ môi trường. Theo đó vào các dịp lễ Âm lịch, đặt biệt là rằm tháng 7, người dân được khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã hết sức có thể. Tuy nhiên, thói quen cố hữu cùng niềm tin đốt vàng mã để gửi đồ cho người đã khuất khiến tập tục đốt vàng mã vào dịp xá tội vong nhân ở Malaysia dù đã được hạn chế nhưng chưa đáng kể.
Mặc dù là quốc gia có tới hơn 70% dân số người Hoa theo đạo Phật, nhưng Singapore từ năm 2008 khuyến khích người dân giảm bớt lượng vàng mã đốt trong các dịp lễ, nhất là mùa xá tội vong linh.
Tại Trung Quốc, rằm tháng 7 là một trong những dịp chất lượng không khí thấp nhất trong năm vì ảnh hưởng từ khói bụi, tro tàn của vàng mã.
Năm 2017, Trung Quốc triển khai chiến dịch tăng thuế và giá bán với tất cả các mặt hàng sử dụng nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên. Điều này phần nào hạ lượng tiêu thụ vàng mã vốn luôn đứng đầu châu Á của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong vài năm trở lại đây cũng liên tục khuyến cáo người dân không nên đốt vàng mã vì những lý do về tài chính, an toàn cháy nổ và môi trường.
Ngày đăng: 14:34 | 14/08/2019
/ vtc.vn