South China Morning Post cho rằng cuộc khủng hoảng thịt lợn ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc nặng nề hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay bất ổn Hong Kong.
Trên South China Morning Post, nhà phân tích Cary Huang cho rằng chưa bao giờ thịt lợn lại đóng vai trò lớn đến thế đối với tình hình kinh tế - chính trị Trung Quốc. Kể từ dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc đến nay, thịt lợn đã trở thành tâm điểm trong các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Bắc Kinh.
Các khái niệm “chính trị thịt lợn”, “kinh tế thịt lợn” và “ngoại giao thịt lợn” lần lượt ra đời. Thực ra lý do cũng không quá khó hiểu. Thịt lợn là nguồn protein quan trọng nhất của người dân Trung Quốc. Nước này tiêu thụ tới 50% sản lượng thịt lợn toàn cầu.
Từ tháng 8/2018, dịch tả lợn lan tới 31 tỉnh thành Trung Quốc. Khoảng 200 triệu con lợn - chiếm gần 50% tổng số lợn tại Trung Quốc - đã chết vì bệnh hoặc bị tiêu hủy. Đại dịch khiến giá thịt lợn tăng vọt tại Trung Quốc, dẫn tới hàng loạt hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ 50% sản lượng thịt lợn toàn cầu. Ảnh: AFP. |
Nền công nghiệp 128 tỷ USD
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng 27% trong tháng 7 và 47% trong tháng 8, đang dao động ở mức 30-33 NDT (4,2-4,6 USD)/kg. Chính quyền 4 tỉnh thành đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh để ổn định giá cả và trấn an tâm lý người tiêu dùng.
"Nạn nhân" đầu tiên của hiện tượng này là nền kinh tế Trung Quốc. Ngành công nghiệp thịt lợn đóng góp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khoảng 128 tỷ USD. Hiệp hội Thịt Trung Quốc cho biết sản lượng thịt lợn nước này sẽ sụt giảm khoảng 20% trong năm 2019.
Mối lo ngại lớn hơn với chính quyền Bắc Kinh là giá cả tăng vọt, lạm phát leo thang trong thời điểm nước sôi lửa bỏng: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày càng tồi tệ và không có dấu hiệu chấm dứt, đồng NDT mất giá.
Thịt lợn là mặt hàng tiêu dùng lớn nhất trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Ngày 17/9, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá thịt lợn tăng 47% trong tháng 8 đẩy CPI nước này lên 2,8% tính đến cuối tháng 8, mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua.
Hơn nữa, giá thịt lợn tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Vài tháng qua, giá thịt gà, bò và cừu ở Trung Quốc cũng tăng vọt vì người tiêu dùng đổ xô mua các loại thịt khác để thay thế cho thịt lợn.
Thịt lợn là mặt hàng tiêu dùng cực kỳ quan trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chi phí sinh hoạt tăng làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc. Thực trạng này làm suy yếu những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tái cơ cấu nền kinh tế bị phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu thành nền kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa.
Lạm phát hiện vẫn ở dưới 3%, trong phạm vi mục tiêu của chính quyền Trung Quốc, nhưng có nguy cơ tăng cao trong những tháng tới. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo rằng giá thịt lợn có thể tăng lên 70% vào cuối năm nay.
Những nước cờ sai lầm
South China Morning Post cho rằng những chính sách sai lầm của chính phủ Trung Quốc góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng thịt lợn và khiến nó càng trầm trọng. Việc dịch tả lợn bùng phát và lây lan ở Trung Quốc xuất phát từ chiến lược “ngoại giao thịt lợn” của Bắc Kinh.
Do chiến tranh thương mại, Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ và Canada, hai quốc gia không có dịch tả lợn, và tăng cường mua từ Nga, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ Canada để phản ứng việc chính quyền Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Huawei, theo yêu cầu của Washington.
Ngày 1/9, Trung Quốc tăng thuế thêm 10% lên hàng nông sản Mỹ. Như vậy, thịt lợn Mỹ bán tại Trung Quốc chịu mức thuế lên đến 72%. Mới đây, Trung Quốc hủy đơn hàng nhập 14.700 tấn thịt lợn Mỹ.
Việc chính quyền Bắc Kinh đánh thuế trừng phạt lên đậu nành Mỹ - một trong những loại thức ăn gia súc quan trọng - khiến các trang trại chăn nuôi lợn Trung Quốc lao đao.
Thuế đánh lên hàng nông sản Mỹ khiến các trang trại chăn nuôi lợn Trung Quốc lao đao. Ảnh: AFP. |
Cuộc khủng hoảng thịt lợn hiện nay có thể đã bớt phần nghiêm trọng nếu chính quyền Trung Quốc mở cửa với thịt lợn Mỹ và Canada. Mỹ hiện là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất, trong khi Canada đứng thứ sáu.
Trước nước cờ tai hại đó, Bắc Kinh còn mắc phải những sai lầm lớn khác. Năm 2016, nước này mở chiến dịch hạn chế chăn nuôi lợn để bảo vệ môi trường. Hậu quả 150.000 trang trại nhỏ đóng cửa, nguồn cung thịt lợn giảm sút trước khi dịch bệnh bùng lên.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc không quá quan tâm đến lạm phát vì tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế quốc tế cảnh báo giờ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với bóng ma "đình lạm", nghĩa là nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát leo thang.
Giá thịt lợn đe dọa "giấc mơ Trung Quốc"
Hầu hết nhà kinh tế quốc tế dự báo tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2019. Trước đó, hồi quý II/2019, Bắc Kinh xác nhận tăng trưởng GDP sụt xuống 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Và sự sụt giảm đó giờ đi kèm với áp lực lạm phát.Lạm phát ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới những người có thu nhập cố định tại Trung Quốc như lao động về hưu, người sống nhờ an sinh xã hội và các gia đình thu nhập thấp.
Trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, tình trạng giá thịt lợn tăng cao là chủ đề gây bàn tán dữ dội. Rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thể hiện sự bức xúc và lo lắng.
Thịt lợn trở thành cơn đau đầu lớn đối với chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Washington Post. |
Mới đây, chính quyền thành phố Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây phát hành phiếu thịt lợn, quy định mỗi công dân được mua 1 kg thịt lợn mỗi ngày với giá phải chăng. Thông tin này gây xôn xao trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, bởi nó gợi nhớ lại thời kỳ tem phiếu đầy khó khăn của quốc gia này.
Do đó, South China Morning Post bình luận đối với chính quyền Trung Quốc mà người đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, “chính trị thịt lợn” là vấn đề quan trọng, gây đau đầu hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay bất ổn ở Hong Kong.
Theo báo chí Trung Quốc, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã lên tiếng kêu gọi thúc đẩy chăn nuôi lợn. Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa là người đứng đầu nhóm công tác xử lý cuộc khủng hoảng thịt lợn.
Lợn là một con vật biểu tượng tại Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm năm Hợi là năm của sự sung túc và thịnh vượng. Nhưng 2019 lại là năm kinh tế Trung Quốc biến động dữ dội và thịt lợn góp phần vào những biến động đó.
Ngày đăng: 09:24 | 19/09/2019
/ vietnamnet.vn