Thiếu thuốc, sinh phẩm hoá chất, vật tư y tế đang là vấn đề hết sức nóng, không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, mà còn ở trạm y tế xã. Thiếu thuốc ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, đến công bằng trong BHYT, an sinh xã hội. Người bệnh đóng BHYT nhưng vì thiếu thuốc đã phải bỏ tiền túi ra mua.

Tại tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm sớm tháo gỡ thực trạng này.

6
Cần sớm có giải pháp trước mắt và căn cơ cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Hầu hết các chuyên khoa, bệnh nhân tăng 5 lần

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa bệnh tăng đột biến. "Hầu hết các chuyên khoa bệnh nhân đều tăng gấp 5 lần, vì thế trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn đã thiếu nay càng thiếu trầm trọng".

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây bệnh viện thực hiện chủ trương xã hội hoá, nhiều thiết bị được đặt để sử dụng trong bệnh viện dưới dạng liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn.

"Những máy này nếu đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh có BHYT (dù bệnh nhân BHYT đến với Bệnh viện Bạch Mai chiếm hơn 90%) bởi vì vấn đề pháp lý liên quan đến thanh toán bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh nếu chúng tôi sử dụng các loại máy này. Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng chung tay tháo gỡ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tìm giải pháp sớm đưa các máy mượn, máy đặt vào hoạt động phục vụ cho người bệnh", PGS Cơ cho biết.

Hiện nay, rất nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế đã trúng thầu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng các đơn vị phân phối không cung cấp được dẫn tới thiếu. Nhiều đơn vị không chào thầu bởi lẽ sau 2 năm dịch bệnh, rất nhiều công ty thiết bị y tế thiết yếu đã phá sản. Bên cạnh đó, giá của các mặt hàng tăng hơn nhiều so với lúc chào thầu cách đây 12 tháng nên nhiều công ty có báo cáo không chào thầu nữa vì bị lỗ.

Chia sẻ về cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, trong đó có nguyên nhân thiếu hụt cung ứng dược liệu từ Trung Quốc về do nước này thực hiện chiến lược Zero COVID, đóng cửa biên giới. 

7
Tại nhiều bệnh viện, một số thuốc trong danh mục BHYT hết, người bệnh phải ra ngoài mua.

Về nguyên nhân chủ quan, do cơ chế về mặt pháp lý đang còn tồn tại bất cập, nếu tháo gỡ sẽ giải quyết được tình trạng này. Quy định của pháp luật về đấu thầu đang thiếu. Các doanh nghiệp hiện nay tham gia vào cung ứng mời thầu do không có lợi nhuận vì giá thuốc tăng cao nên không mặn mà… Tham gia đấu thầu, đàm phán thuốc quốc gia có hạn chế đã ảnh hưởng đến nguồn cung…

Bác sĩ, người đứng đầu bệnh viện hãy vào cuộc với động cơ trong sáng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thống kê có 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện trung ương xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới người bệnh, nhất là người bệnh nghèo tham gia BHYT. Tại nhiều bệnh viện, một số thuốc trong danh mục BHYT hết, người bệnh phải ra ngoài mua, tiền này có được BHYT chi trả lại hay không? Theo quy định thì là không. Các chuyên gia cho rằng, thiệt thòi nhất chính là người bệnh nghèo.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng: Không có đủ thuốc ngay với giá hợp lý, đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, chứ không chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị cần gấp cho người bệnh. Để tháo gỡ các vấn đề thiếu thuốc, nguyên đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần xem xét cơ chế, chính sách vướng ở đâu để tập trung rà soát lại ngay; cần có lộ trình và đừng lâu quá. Thứ hai cần sự dũng cảm của các bác sĩ, người đứng đầu bệnh viện. Hãy vào cuộc với động cơ trong sáng thì các đồng chí sẽ tìm được thuốc với giá hợp lý. Bà An cũng đề xuất thêm, lãnh đạo Bộ Y tế phải "vi hành" xuống các bệnh viện xem tình trạng thiếu thuốc diễn ra như thế nào để đồng hành cùng các bệnh viện tìm giải pháp tháo gỡ.

TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, cần có giải pháp trước mắt và giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài để tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng", để có thuốc cho điều trị, Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với các bệnh viện xung quanh TP Hà Nội và các tỉnh để chia sẻ, điều tiết thuốc, đem lại hiệu quả tốt. Bệnh viện thiếu từ 5-19% thuốc do nhà cung ứng không có, còn các thuốc cơ bản vẫn cung ứng kịp thời và chờ đấu thầu thuốc tập trung quốc gia.

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra thực trạng, hiện giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế là do các doanh nghiệp công khai và tự chịu trách nhiệm về tính pháp lý, chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm về tính pháp lý của giá đó. Điều này khiến cho Giám đốc các Sở Y tế và bệnh viện ngần ngại khi làm giá kế hoạch. Họ rất muốn có giá thật, giá đúng để đấu thầu, bởi lo lắng doanh nghiệp, công ty, các nhà phân phối bắt tay nhau "thổi" giá.

"Giá thuốc đã công khai, có cơ quan kiểm soát nhưng giá vật tư y tế không có cơ quan kiểm soát. Tôi mong rằng giá vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế phải có cơ quan quản lý nhà nước hoặc liên ngành đứng ra kiểm soát giá", PGS Cơ kiến nghị.

Ngày đăng: 11:17 | 14/08/2022

Trần Hằng / CAND