Vì thiếu lao động đi biển, nhiều chủ tàu cá ở Quảng Ngãi buộc phải cho bạn thuyền ở các tỉnh lân cận ứng hàng tỉ đồng để vui xuân đón tết. Thế nhưng, sau tết, các lao động này lại “trở mặt” không chịu đi làm, hoặc “nhảy” sang tàu khác, khiến nhiều chủ tàu ấm ức ra khơi trong tình trạng thiếu lao động.
Những năm gần đây, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân nên số lượng tàu cá ngày một tăng, đồng nghĩa với nhu cầu cần lao động đi biển cũng tăng theo. Ảnh: T.H
Gọi điện, nhắn tin liên tục
Trở lại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) những ngày sau tết chỉ thấy bóng dáng phụ nữ, trẻ con và người già. Khi nhắc lại chuyện bị lừa, bà Võ Thị Sen tỏ vẻ không hào hứng lắm, bà bảo, ngư dân ở đây quá quen với chuyện lừa lọc đó rồi.
Bà Sen kể, trước Tết Nguyên đán, không biết do ai giới thiệu, điện thoại chồng bà có nhiều số lạ liên tục nhắn tin và gọi đến muốn ứng tiền.
Cũng nhờ quen biết mấy anh em ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa, Bình Định… nên mới biết những người đó đúng là thợ lặn. Do thiếu lao động lặn biển, cùng lời hứa hẹn ngon ngọt nên vợ chồng tôi quyết định chuyển vào tài khoản cho 4 người số tiền 60 triệu đồng.
Thế nhưng ra tết, trước ngày ra khơi (16.1 âm lịch) vài ngày, chồng tôi điện cả 4 số điện thoại trên đều thuê bao (tắt máy, không liên lạc được). Đợi mãi, chờ mãi không thấy lao động ra làm nên ngày 22.1 (âm lịch) chồng tôi cùng con trai, con rể buộc phải ra khơi hành nghề câu mực. Còn đồ lặn mới mua gần trăm triệu đồng đành phải để ở nhà vì không đủ lao động.
“Ra tết là mùa đánh bắt, dù có thiếu lao động cỡ nào chúng tôi cũng phải ra khơi, nên nhiều đối tượng lợi dụng vào “điểm yếu” đó để hứa và vay mượn” - bà Sen nói.
Tại cảng cá Tịnh Hòa, chủ tàu Lê Bá, trú xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bức xúc: “Chúng tôi đã quen chuyện đó rồi, nhưng mỗi khi nhắc đến lại thấy tức quá. Tàu tôi công suất lớn, hành nghề lặn biển ở Hoàng Sa phải cần 12 lao động. Nhưng nay chỉ có 5 người, buộc phải chuyển sang đi câu, nếu nằm bờ thì phải chịu cảnh thua lỗ. Trước đó, tôi đã cho nhiều bạn tàu ứng trước 70 triệu đồng, giờ không thấy họ quay lại như đã hứa”.
Một người “hốt” tiền của 4 đến 5 chủ tàu
Ở thôn Châu Thuận Biển, xưa nay, cái tên Võ Văn Lựu vốn đã “nổi tiếng” là 1 “kình ngư” ở 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Thì nay, ông Lựu còn “nổi tiếng” vì bị các đối tượng lừa số tiền lên đến 600 triệu đồng (nhiều nhất trong thôn).
Bà Nguyễn Thị Năng (vợ ông Lựu) uể oải đưa ra quyển sổ ghi nợ kèm theo 1 xấp tờ giấy chuyển tiền, nói: Cứ gần tết, họ gọi điện, nhắn tin đến ứng tiền, nếu không cho họ mượn thì họ sẽ đi tàu khác, nhiều lúc bí quá, vợ chồng tôi phải đi vay mượn để chuyển vào. Có trường hợp gửi tiền xong, gọi lại hỏi thì thuê bao tắt máy”.
Vì năm nay gia đình bà Năng vừa đóng chiếc tàu mới công suất lớn, nên cần 10 lao động, trước tết đã chuyển cho 10 thợ lặn ở Nha Trang, Bình Định gần 180 triệu đồng. Thế nhưng, đến ngày ra khơi, chồng bà liên tục gọi điện nhưng ai cũng tắt máy. Gọi hỏi các chủ tàu ở Nha Trang thì mới biết, một số lao động đã “nhảy” tàu khác.
Theo bà Năng, tính từ năm 2009 đến nay, gia đình đã cho nhiều lao động ứng trước khoảng 600 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa đòi được đồng nào.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - cho biết, Những năm gần đây, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngư dân nên số lượng tàu cá ngày một tăng, đồng nghĩa với nhu cầu cần lao động đi biển cũng tăng theo. Lợi dụng “điểm yếu” đó, trước tết, nhiều đối tượng ở các tỉnh lân cận đã gọi điện hứa hẹn và vay ngư dân với số tiền lớn. Riêng xã Bình Châu có trên 50 trường hợp. Vì sợ thiếu lao động và muốn giữ chân lao động, chủ tàu buộc phải chấp nhận vay tiền cho các lao động ứng trước.
“Có trường hợp 1 lao động, nhận tiền của 4 đến 5 chủ tàu để tiêu pha dịp tết, sau tết lại “mất tích”. Vẫn biết tình trạng trên ngày một gia tăng nhưng chúng tôi không biết làm gì hơn, chỉ biết tuyên truyền là chính. Việc các chủ tàu thuê lao động chủ yếu bằng miệng, không có giấy tờ thỏa thuận, cam kết gì nên rất khó xử lý” - ông Hùng nói.
Mới đây, vụ việc như “giọt nước tràn ly”, ngày 20.3, đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ phát hiện 2 tàu cá QNg 93839-TS và QNg 92450 TS (do ông Dương Minh Tiến, trú xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi làm chủ) đã bắt giữ và dùng dây xích trói 4 ngư dân (tỉnh Bình Thuận) trên tàu.
Theo lời khai ban đầu của ông Tiến, để có lao động, ông Tiến đã ứng trước cho 4 người số tiền 28 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt, do các ngư dân không chịu làm việc nên ông Tiến phải đưa về lại Quảng Ngãi và dùng dây xích trói 4 ngư dân vì sợ các thuyền viên trốn nợ.
Sau văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, "xe dù, bến cóc" vẫn ngang nhiên lộng hành
Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình đã ban hành văn bản yêu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với ... |
Vay tiền tỉ, đóng tàu to để... nằm bờ
Chưa bao giờ, các tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản của tỉnh Quảng Trị lại gặp khó khăn về thiếu hụt lao động như ... |
Người lao động đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh
Người lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành về những ... |
Ngày đăng: 10:48 | 30/03/2018
/ https://laodong.vn