Do quá tải về điểm đỗ và hạ tầng, Cục Hàng không khuyến cáo các hãng bay mới về việc sử dụng vị trí đỗ tàu bay tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng HK khác.
Con số thống kê từ Cục Hàng không cho thấy, trong khoảng 10 năm (2008-2018), số lượng tàu bay của Việt Nam đã tăng gấp 3 (đạt 192 tàu so với con số 60 tàu của năm 2008). Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Đáng lưu ý, nếu như năm 2008, đội tàu bay sở hữu của Việt Nam chỉ có 29 tàu thì tính đến nay con số này đã là 57 tàu.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường hành khách hàng không đạt 38,5 triệu khách (tăng 9,4% so cùng kỳ 2018). Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt khách (tăng 8,4%). Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách, tăng 7,7%.
Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không lớn khác đang bị quá tải về điểm đỗ tàu bay. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 7/22 sân bay nước ta đã quá tải. Nghiêm trọng nhất là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài công suất thiết kế lần lượt là 28 triệu và 21 triệu lượt khách/năm. Kết thúc năm 2018, con số thực tế lên tới 38,5 triệu và 28,8 triệu lượt khách/năm. Những con số này sẽ không dừng lại trong thời gian tới, thậm chí được dự đoán là "bùng nổ" khi thị phần hàng không đang phát triển vượt bậc với sự góp mặt của nhiều hãng bay mới.
Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ này đã ghi nhận một thực trạng: Hàng không Việt Nam đang có những bất cập về điểm đỗ, hạ tầng nhưng lại liên tiếp cấp phép cho các hãng hàng không mới. Điều này nguy cơ tạo ra những hệ lụy lớn, khó đảm bảo về vị trí dừng đỗ an toàn ở các cảng hàng không lớn.
Trả lời VTC News mới đây, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vị trí đỗ tàu bay tại các cảng hàng không Việt Nam là trên 350 vị trí đỗ, trong đó tổng số vị trí đỗ tại các cảng hàng không quốc tế là trên 280 vị trí. Số lượng vị trí đỗ tàu bay tăng lên trên 400 vị trí vào năm 2020 (tổng số vị trí đỗ tàu bay tại các cảng hàng không quốc tế trên 330 vị trí) và số lượng vị trí đỗ tàu bay sẽ tiếp tục tăng lên vào những năm tiếp theo trên cơ sở triển khai thực hiện các kế hoạch đầu tư tại cảng hàng không đến năm 2025 đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Theo đại diện Cục Hàng không, trong thực tiễn khai thác, các hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng tối đa vị trí đỗ qua đêm tại CHKQT Tân Sơn Nhất. Các vị trí đỗ qua đêm tại CHKQT Nội Bài trong các năm tới cũng sử dụng hết khi các hãng hàng không mới và các hãng hàng không hiện hữu tiếp tục tiếp nhận thêm tàu bay trong kế hoạch phát triển đội tàu bay của từng hãng. Việc bố trí vị trí đỗ qua đêm cho tàu bay của các hãng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chủ động thu xếp trên cơ sở hạ tầng thực tế tại từng cảng hàng không và Cục HKVN chỉ cấp phép cho tàu bay vào khai thác tại Việt Nam sau khi có xác nhận vị trí đỗ của ACV.
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. |
Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập hãng hàng không mới trong thời gian qua, Cục HKVN đều xem xét, đánh giá tính phù hợp của kế hoạch phát triển đội tàu bay, nhu cầu sử dụng vị trí đỗ tàu bay dự kiến của các hãng với năng lực kết cấu hạ tầng hàng không và có lưu ý, khuyến cáo các hãng mới có nhu cầu sử dụng vị trí đỗ tàu bay tại CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các CHK khác.
Những nội dung này được thể hiện trong các đề án thành lập hãng hàng không mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và được Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy phép theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Sau khi hãng hàng không được cấp giấy phép và đi vào khai thác, kế hoạch phát triển mạng đường bay, đội tàu bay sẽ phải được tuân thủ theo nội dung đề án đã trình Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Để xử lý tình thế, những hãng hàng không thành lập mới và đang xin giấy phép đã phải thay đổi nơi đặt căn cứ. Điển hình như với Bamboo Airways, thay vì đặt căn cứ tại các sân bay đã quá tải (như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...) đã chọn sân bay Phù Cát (Quy Nhơn). Tương tự, các hãng đang xin cấp phép cũng phải thay đổi “chiến thuật”, như KiteAir dự kiến đặt tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam); Vietravel Airlines dự kiến đặt căn cứ tại sân bay Phú Bài (Huế)...
Ngày đăng: 09:31 | 14/10/2019
/ vtc.vn