Giới tài chính hay nhắc đến cuốn sách có tên “Thiên nga đen”.
Gửi \'Bầu\' Đức |
VAT không có mắt |
Giới tài chính hay nhắc đến cuốn sách có tên “Thiên nga đen”.
Thiên nga đen là một biến cố tưởng chừng như không thể xảy ra với ba đặc điểm chính: không thể dự đoán; có tác động lớn; sau khi nó xảy ra người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn và dễ dự đoán hơn bản chất thật.
Từ những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những lần thị trường chứng khoán lao dốc không phanh, giá trị bất động sản sau một đêm trở thành bong bóng đến sự kiện 11/9 hay thành công bất ngờ của Google, Apple... đều có thể xem là Thiên nga đen. Trong một thời gian dài loài người đã thấy và tin rằng tất cả thiên nga đều màu trắng, và cho rằng màu trắng chính là thuộc tính cần thiết của một con thiên nga. Nhưng ngày kia, một con thiên nga đen xuất hiện trên hồ, khẳng định rằng không phải tất cả thiên nga đều trắng. Con thiên nga đen cho thấy sự thiển cận và mong manh của kiến thức loài người.
Một người quen của tôi cũng mới gặp biến cố của đời mình. Ông nguyên là lãnh đạo một ngân hàng gốc quốc doanh song trước khi nghỉ hưu một năm đã buộc phải vắng nhà lâu ngày. Ngày ông bị đưa đi không một lời báo trước, chỉ kịp điện thoại về cho vợ: “Tình hình gay go, em chuẩn bị cho anh vài bộ quần áo, bàn chải, khăn mặt, một đôi dép”. Ông dính vào vòng lao lý vì các vấn đề liên quan đến tín dụng ở ngân hàng ông tham gia lãnh đạo.
Những người biết chuyện thở dài: Cái số nó thế, làm thế nào được. Người ta hay nói định mệnh là những gì không tính trước, nhưng thực sự thì ông từng trăn trở hết về những gì có thể xảy ra. Nhiều lần ông lắc đầu: “Cơ chế này nhiều cái khó lắm. Nếu mình không đồng thuận thì mình bị đẩy ra trước khi ‘dính chưởng’”. Ấy vậy mà ông cũng không đủ can đảm hoặc có khi không đủ hiểu biết mọi nhẽ để mà giữ mình, không đủ can đảm vẫy tay chào đám đông, bứt mình khỏi cơ chế, khỏi cuộc sống nhiều bổng lộc mượn vay, khỏi sự cung phụng của những hào quang. Thói quen khó bỏ nhất là không dám rũ bỏ thói quen.
Ông là anh hùng trong đám đông ấy một thời gian dài, hào quang hơn so với đồng nghiệp để rồi chuẩn bị về hưu cho một sự nghiệp được coi là thành đạt, thì hào quang nó lại “còng tay” ông.
Những ngày nóng nực của nghề ngân hàng không phải mới diễn ra, nó âm ỉ từ vài năm nay, với những cuộc bắt bớ và loan tin chính thức trên mặt báo và cả những tin đồn trong mỗi nhà băng. Tôi hỏi những người làm ngân hàng: Anh, chị có lo không? Họ bảo, nghe tin ông này, ông kia bị bắt cũng bàng hoàng. Đời nó thế, mình cẩn thận đấy nhưng biết đâu không phải đầu cũng phải tai.
Nhiều cái tên đình đám trong nghề dính vào vòng lao lý: nguyên tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân, cựu nhân viên Vietinbank Huỳnh Thị Huyền Như, cựu CEO GPBank Phạm Quyết Thắng, Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình, cựu chủ tịch Sacombank Trầm Bê… Dù có nghe phong thanh thế nào thì khi những lãnh đạo top đầu bị bắt, thị trường không khỏi ngỡ ngàng.
Nhưng những sự kiện ngỡ ngàng ấy có phải là các “Thiên Nga đen”?
Ai cũng biết rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng chỉ một số ít tán thưởng hành động phòng bệnh. Một lãnh đạo ngân hàng tâm sự với tôi rằng vấn đề chất lượng con người luôn là việc các ngân hàng đau đầu. Ông từng bị sốc vì có nhân viên gương mẫu của mình tự dưng một ngày trở thành người có hành vi sai. “Tôi tự hỏi tại sao quân của mình thay đổi dễ và nhanh thế, ranh giới giữa hành vi tốt và xấu rất mong manh và biến thiên rất nhanh, rất lớn”, ông nói, “Hơn 20 năm làm nghề, tôi biết có không ít trường hợp nhân viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Số nhiều các vụ việc được phát giác kịp thời nên không phải vụ việc nào cũng gây hậu quả cụ thể, song đó là điều người điều hành chúng tôi luôn lo lắng”.
Bản thân ông luôn để trước mặt mình một câu thần chú theo đúng nghĩa đen, đó là một câu nói in ra miếng giấy cứng đặt trên bàn làm việc để nó nhắc nhở ông mỗi ngày nguyên tắc cân bằng giữa các lợi ích.
Ông cũng thử lý giải: Có lẽ vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, càng sâu, và sự giàu nghèo cũng biến thiên nhanh chóng. Trong một nhóm người, đột nhiên có người có tiền mua nhà sắm xe nên dàn còn lại bị kích thích và sốt ruột. Bị kích thích cũng là động cơ tốt bởi là động lực để người ta làm việc, cống hiến tốt hơn. Nhưng cũng vì bị kích thích quá khiến họ dùng những con đường sai để có tiền mau chóng như cá độ đá banh, buôn chứng khoán, địa ốc, cờ bạc, đảo nợ, làm này làm kia…
Ông kể rằng, mặc dù quy chuẩn với ngành ngân hàng từ cơ quan quản lý và từ bản thân các ngân hàng thực ra đã chặt chẽ và kỹ hơn trước rất nhiều. Tường đã cao hơn rồi nhưng kẻ trộm vẫn còn không ít.
Những sai phạm trong hệ thống ngân hàng là điều nhìn thấy trước được bởi lỗ hổng cơ chế hay là sự cố từ lòng tham con người? Lỗi của cá nhân hay của hệ thống giám sát?
Những khoản thất thoát hàng nghìn tỷ là “thiên nga đen”, nằm quá khả năng tiên liệu của con người, hay là “thiên nga trắng” - vốn là một đặc tính phổ biến?
Cho đến lúc này, tôi đành gọi những sự cố kinh hoàng ấy là “thiên nga xám”.
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/thien-nga-xam-3633432.html
Ngày đăng: 08:43 | 28/08/2017
Theo Hồng Phúc/VnExpress /