Thị trường hàng hóa thế giới phiên vừa qua chịu tác động trái chiều từ hai yếu tố: Đồng USD giảm và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc.
Dầu tăng 1%
Giá dầu tăng khoảng 1% vào thứ Ba (22/11) sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Saudi Arabia, cho biết OPEC+ kiên trì với việc cắt giảm sản lượng và có thể thực hiện các bước tiếp theo để cân bằng thị trường.
Tuy nhiên, giá đã hạ nhẹ vào cuối phiên sau khi Bloomberg báo cáo rằng Liên minh châu Âu đã giảm bớt đề xuất trừng phạt mới nhất về việc áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga bằng cách trì hoãn việc thực hiện đầy đủ và nới lỏng các điều khoản vận chuyển quan trọng.
Theo Bloomberg, khối này đã đề xuất thêm thời gian chuyển đổi 45 ngày để đưa ra mức trần.
Vào ngày 5 tháng 12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga của Liên minh châu Âu sẽ bắt đầu, cũng như kế hoạch của G7 sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển giúp xuất khẩu dầu của Nga, nhưng chỉ với giá thấp bắt buộc.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 91 cent, tương đương 1%, lên 88,36 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 91 cent, tương đương 1,1%, lên 80,95 USD.
Vàng ổn định sau khi giảm sâu
Giá vàng tăng mạnh vào đầu phiên do USD và lãi suất kho bạc Mỹ giảm, nhưng hạ nhiệt về cuối phiên khi chứng khoán tăng điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu về lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên không đổi so với phiên liền trước, ở mức 1.737,19 USD/ounce; trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng vững ở mức 1.739,9 USD.
Các thành phố lớn ở Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp hạn chế chống COVID-19 khi các ca nhiễm virus tăng đột biến ở quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới này.
"Fed có thể sẽ tuân theo kịch bản tiếp tục thắt chặt trong một thời gian và trừ khi chúng ta thấy tình hình COVID của Trung Quốc có cải thiện lớn, vàng sẽ phải vật lộn để duy trì một đợt tăng giá đáng kể."
Đồng phục hồi
Giá đồng kết thúc chuỗi 4 phiên giảm khi USD suy yếu, nhưng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc - đã hạn chế đà tăng.
Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên tăng 1,8% lên 8.020 USD/tấn. Kim loại này đã giảm khoảng 7% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 5 tháng vào ngày 14 tháng 11.
Giá đồng điều chỉnh giảm trong những ngày gần đây chủ yếu do lo ngại về khả năng phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu kim loại, buộc các nhà đầu tư giá lên phải cắt giảm vị thế của họ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm thứ Ba (22/11) đã đóng cửa các công viên và viện bảo tàng, trong khi Thượng Hải thắt chặt các quy định đối với những người vào thành phố khi chính quyền Trung Quốc vật lộn với sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19.
Ngũ cốc giảm
Giá ngũ cốc Mỹ đồng loạt giảm trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng xảy ra đình công trong ngành đường sắt ở Mỹ và thị trường đồn đoán rằng những người mua ngũ cốc của Mỹ đang mua lúa mì của Liên minh Châu Âu.
Lúc đầu phiên giao dịch, lúa mì kỳ hạn của Mỹ có thời điểm được giao dịch tăng do thời tiết khô hạn đe dọa các khu vực trồng vụ đông của Mỹ.
Nhưng một thương nhân giấu tên cho biết giá lúa mì giảm sau khi các thương nhân ghi nhận thông tin về một nhà máy của Mỹ ở Florida nhập khẩu lúa mì châu Âu.
Hợp đồng lúa mì hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT) kết thúc phiên giảm 7-3/4 US cent, đóng cửa ở mức 8,10-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương giảm 7 US cent xuống 14,29-3/4 USD/bushel, và ngô giảm 2-3/4 US cent xuống 6,56-3/4 USD/bushel.
Cà phê tiếp tục hồi phục
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE tăng vào thứ Ba khi thị trường kéo dài đà phục hồi từ mức thấp nhất trong 16 tháng của tuần trước.
Cà phê arabica giao tháng 3 tăng 4,3 cent, tương đương 2,7%, lên 1,647 USD/lb, sau khi giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất trong 16 tháng là 1,5405 USD.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1 tăng 22 USD, tương đương 1,2%, lên 1.834 USD/tấn.
Dầu thực vật tăng
Giá dầu cọ và dầu đậu tương đều tăng trong phiên vừa qua giữa bối cảnh giá dầu mỏ cũng tăng khá.
Theo đó, dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng mạnh vào thứ Ba, kéo dài đà hồi phục từ mức thấp nhất hơn một tháng chạm tới vào tuần trước, trong khi những người tham gia thị trường chờ đợi dữ liệu sản lượng dầu cọ của Malaysia.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 2 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 151 ringgit, tương đương 3,92%, đóng cửa ở mức 4.006 ringgit (875,63 USD)/tấn.
Giá dầu cọ trên sàn Đại Liên cùng phiên tăng 1,35%, trong khi giá dầu đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng 0,92%.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm vào thứ Ba do các ca nhiễm COVID gia tăng tại nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc - làm dấy lên lo ngại về nhu cầu, mặc dù tồn kho thấp đã hỗ trợ phần nào.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch ở mức giảm 2% xuống 725 nhân dân tệ (101,27 USD)/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 1,6% xuống 93,8 USD/tấn.
Hợp đồng thép cây được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%, dây thép cuộn tăng 0,7% và thép không gỉ tăng 2%.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Ba, theo đà tăng tại thị trường Thượng Hải và chứng khoán trong nước tăng điểm, mặc dù đà tăng bị hạn chế do lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại quốc gia nhập khẩu cao su hàng hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 4 trên Sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 3,3 yên, tương đương 1,6%, lên 215,2 yên (1,52 USD)/kg. Trong phiên có lúc giá tăng tới 2,4%.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 340 NDT lên 12.785 NDT (1.786 USD)/tấn.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,61%.
Sàn OSE sẽ đóng cửa vào thứ Tư để nghỉ lễ tại Nhật Bản.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/11:
Ngày đăng: 11:10 | 23/11/2022
/ https://markettimes.vn/thi-truong-ngay-23-11-gia-dau-dong-cao-su-phuc-hoi-ngu-coc-va-quang-sat-giam-sau-9334.html