Để lựa chọn được ngành nghề hiệu quả, các em học sinh nên xác định mục tiêu nghề nghiệp mong muốn gì trong tương lai, muốn đạt được điều gì, trong đó phải lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực như năng lực cá nhân với sở thích, thế mạnh nào và năng lực học tập để xác định khả năng trúng tuyển - Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.001.011 em, trong đó số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 859.531 (chiếm 85,87%). Hiện kỳ thi đang đến gần, câu chuyện chọn ngành, chọn nghề, đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đang là mối quan tâm lớn của thí sinh.

Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp? Giải pháp nào để đầu vào đại học và đầu ra khi tốt nghiệp hài hòa giữa đào tạo và sử dụng lao động, không lãng phí, giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa cung – cầu lao động? Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PV: Xin ông cho biết những ngành nào có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao và những ngành nào có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp, nguyên nhân do đâu?

Thí sinh nên chọn ngành, chọn trường theo sở thích, năng lực cá nhân và đam mê -0
Ông Bùi Văn Linh.

Ông Bùi Văn Linh: Từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm có khoảng 240.000 sinh viên tốt nghiệp. Đây là cơ cấu rất quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Thống kê của năm 2020, có 10 lĩnh vực, ngành đào tạo có số lượng sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 trở lên là: Kinh doanh và quản lý 60.000; Sức khỏe 22.000; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 21.000; Công nghệ kỹ thuật 19.000; Nhân văn 16.500; Khối kỹ thuật 14.400; Khoa học xã hội và hành vi 13.900; Kiến trúc và xây dựng 12.000; Máy tính và công nghệ thông tin 11.900; Pháp luật 11.800.

Theo số liệu 3 năm 2018, 2019, 2020, có sự biến động số lượng sinh viên đầu vào cũng như biến động số lượng sinh viên tốt nghiệp. Ví dụ ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm dần, năm 2018 có 27.028 giáo viên sư phạm, năm 2019 có 28.038 giáo viên, 2020 có 21.034 giáo viên. Hy vọng với Nghị định 116 của Chính phủ về hỗ trợ học phí đào tạo, chi phí đào tạo, hỗ trợ đời sống cho sinh viên sư phạm thì con số sinh viên tốt nghiệp sư phạm sẽ tăng lên

Hay khối Sức khỏe từ 2018-2020 tăng từ 11.000 lên 23.000 người. Lý do có thể kể đến là một số cơ sở đào tạo mở thêm khối ngành sức khỏe nên số lượng đào tạo hằng năm cao hơn.

Tuy nhiên, con số sau đây khiến chúng ta phải suy nghĩ, đó là năm 2020 có 5 lĩnh vực có số lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nhất: Toán học thống kê có 593 em tốt nghiệp; Thú y có 715 em tốt nghiệp; Dịch vụ vận tải có 1.338 em; Dịch vụ xã hội có 1.600 em; Nghệ thuật có 1.800 em.

Cũng theo số liệu thống kê năm 2020, ngành Dịch vụ vận tải đạt 89,2% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, ngành Nghệ thuật đạt 85,4%, ngành Thú y đạt 85,2%. Tuy nhiên, nhóm ngành này có số lượng sinh viên tốt nghiệp không nhiều. Có một tín hiệu vui là ngành Khoa học sự sống có tỉ lệ việc làm khá cao, đạt 75,6%. Đây là điều đáng mừng vì chúng ta đang rất khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực về các ngành khoa học cơ bản…

PV: Hai năm qua, dịch bệnh COVID - 19 hoành hành đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học, vậy dịch có ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn nghề của học sinh hay không? Ông có dự báo gì về xu hướng ngành nghề trong những năm tới?

Ông Bùi Văn Linh: Dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, sự chuyển dịch về cấu trúc ngành nghề cũng thay đổi. Do tác động của đại dịch, một số ngành nghề mới đang vươn lên và được xem là xu hướng mới, mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn. Các em hãy nghiên cứu kỹ, tham khảo thêm ý kiến, tư vấn để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và xã hội.

Cũng do đại dịch COVID-19, hiện hoạt động dạy học, làm việc trực tuyến đã khá phổ biến trong đời sống xã hội, chính vì vậy các nền tảng công nghệ hiện đại và các dịch vụ liên quan ngày càng phát triển. Tôi nghĩ dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến việc chọn ngành học của học sinh, các em sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được các ngành đào tạo mới mà các trường đại học kịp thời nghiên cứu mở ra, tuyển sinh mới trong thời gian 1-2 năm vừa qua.

PV: Theo quan sát của ông, những ngành nghề mới mở sẽ được thị trường lao động đón nhận và thích ứng ra sao để hấp thụ được hết nguồn nhân lực, không bị lãng phí?

Ông Bùi Văn Linh: Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội luôn là mục tiêu, yêu cầu quan trọng của các cơ sở đào tạo đại học; khi khoa học – kỹ thuật không ngừng thay đổi và bối cảnh kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy các trường đại học cho ra đời các chương trình đào tạo của các ngành mới. Việc mở các ngành đào tạo mới là thuộc tính của nền giáo dục đại học mở, linh hoạt, đào tạo hướng tới đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngành mới bao giờ cũng được xã hội, người học đón nhận, vì nó đáp ứng ngay sự khan hiếm về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong giai đoạn đầu, các sinh viên tốt nghiệp ngành mới khá thuận lợi về việc làm, chế độ thu nhập vì lượng đào tạo ra còn ít, thiếu. Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu cần, mà các trường đại học mới mở ngành đó thì chúng ta phải chờ tới 3,5 năm đến 4 năm mới có lứa sinh viên tốt nghiệp đại học khóa đầu tiên. Nếu các trường đại học khác cũng đua nhau mở ngành giống nhau, thì chỉ sau thời gian ngắn (từ 8-10 năm) sẽ xuất hiện hiện tượng bão hòa, lâu hơn đó sẽ là giai đoạn dư thừa nguồn nhân lực đào tạo ra khiến sinh viên tốt nghiệp khó xin được việc làm hơn.

Từ đó chúng ta mới thấy tầm quan trọng của công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, dự báo xu hướng phát triển ngành đào tạo, nghề đối với xã hội, tốt nhất là trước đó tối thiểu khoảng 5 năm. Như vậy, cần xoay lại quy trình là các trường đại học có thể mở ngành mới để thu hút người học vào học tập, dự báo nguồn nhân lực chất lượng cao trước 5 năm, trước khi xã hội cần đến. Tuy nhiên, đây là mong muốn và mô hình lý thuyết của đào tạo đi tiên phong trước nhu cầu xã hội, thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác dự báo và dự báo chính xác nhất.

PV: Nhiều học sinh hiện đang chọn ngành nghề theo tâm lý đám đông và cho rằng phải đăng ký xét tuyển những ngành liên quan tới công nghệ 4.0 mới là đúng “trend”, ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Bùi Văn Linh: Nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều ngành nghề hot như: Nhà phát triển phần mềm/ứng dụng, Nhà phát triển web, Kỹ sư máy tính, Kỹ sư điện toán đám mây, Logistic, Trí tuệ nhân tạo, Digital Marketing, Thiết kế đồ họa… Tuy đây là những ngành đang lên ngôi trong thời đại công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội nhưng lại không phải phù hợp với mọi cá nhân. Nhiều học sinh chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chọn lựa ngành, chỉ đăng kí nguyện vọng theo xu hướng mà chưa thực sự ý thức được ngành nghề mình chọn có phù hợp với năng lực bản thân và việc làm sau khi ra trường. Câu chuyện chọn ngành, chọn trường luôn là mối bận tâm của hầu hết các thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh. Ngoài việc nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp trước những biến động xã hội, các em nên chọn ngành trước, chọn trường sau theo sở thích và năng lực cá nhân, sự đam mê để có thể học tập và phát triển bản thân theo năng lực, cá tính, bản sắc riêng.

PV: Vậy để học sinh chọn được ngành nghề hiệu quả nhất, theo ông cần thỏa mãn những điều kiện nào?

Ông Bùi Văn Linh: Để lựa chọn được ngành nghề hiệu quả, các em học sinh nên: Xác định mục tiêu nghề nghiệp mong muốn gì trong tương lai, muốn đạt được điều gì, trong đó phải lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực như năng lực cá nhân với sở thích, thế mạnh nào (các em nên tham khảo thêm những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào) và năng lực học tập để xác định khả năng trúng tuyển.

Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ về ngành, nghề lựa chọn: Các khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp; mục tiêu, nội dung đào tạo; phẩm chất và kỹ năng cần thiết; nhu cầu thị trường với ngành nghề đó; những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề. Các em cũng nên tham khảo ý kiến thầy cô, bố mẹ, đây là điều rất quan trọng vì họ là những người hiểu năng lực, sở trường của các em nhất.

PV: Như trên ông đã cung cấp những thông tin về chọn ngành nghề và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá kỹ lưỡng. Vậy theo ông, chúng ta sẽ cần những giải pháp gì để việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực gặp nhau?

Ông Bùi Văn Linh: Hiện nay, chúng ta đào tạo khoảng 250.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm, đây là lực lượng quan trọng bổ sung đa số vào đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại học đất nước. Để giải quyết tốt bài toán cung – cầu nhân lực chất lượng cao hiện nay, cần quan tâm triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo có chọn lọc, theo hình chóp, coi đây là then chốt, là ưu tiên để phát triển mạnh, bền vững nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh việc hiện đại hóa chương trình đào tạo thì cần thúc đẩy xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa trường đại học và doanh nghiệp, để giải quyết tốt khâu đào tạo gắn thực hành – thực tập nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần có quy chế và tổ chức thường xuyên hoạt động đón nhận, giao việc cho sinh viên đến thực tập và đánh giá họ và ngược lại, sinh viên các năm cuối có thể tham gia cùng giảng viên các vấn đề khắc phục hay đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp…

Thứ hai, cải thiện chất lượng của công tác phân tích, đánh giá thực trạng tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp thật khoa học, bài bản và chúng ta bắt tay ngay việc phối hợp các cơ quan hữu quan, chuyên gia nhiều kinh nghiệm để xây dựng báo cáo dự báo phát triển nguồn nhân lực…

Thứ ba, theo tôi các trường đại học cần tăng cường công tác giáo dục tinh thần khởi nghiệp, có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, để một bộ phận sinh viên tốt nghiệp có thể tự mở doanh nghiệp “startup”, không những tự tạo công việc tốt cho mình mà còn giải quyết tốt việc làm cho người khác nhiều. Doanh nghiệp là trái tim nền kinh tế, càng nhiều doanh nghiệp mới (startup) thì xã hội càng phát triển tốt.

Thứ tư, cần thúc đẩy hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp  - phân luồng, xây dựng “Bản tin việc làm” tại các trường phổ thông, để giúp học sinh phổ thông cập nhật được nhanh các diễn biến xu hướng ngành nghề, các đặc trưng nghề nghiệp, từ đó đưa ra quyết định chọn ngành học, trường học chính xác nhất, trên cơ sở các thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực đưa ra cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

https://cand.com.vn/giao-duc/thi-sinh-nen-chon-nganh-chon-truong-theo-so-thich-nang-luc-ca-nhan-va-dam-me-i656046/

Ngày đăng: 08:50 | 05/06/2022

Thu Phương / cand.com.vn