Tôi từng tham gia và đạt Á hậu cuộc thi Hoa hậu Toàn cầu 2008, hay tham gia cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth 2006). Tôi cũng có giải “Người mẫu triển vọng Anh quốc” 2005, giải “Gương mặt Châu Á” tại Anh 2006.
Ở chiều ngược lại, tôi cũng từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi sắc đẹp, người mẫu. Như giám khảo cuộc thi Vietnam\'s next top model 2010, Elite\'s model look 2015, Miss Global quốc tế 2016, Miss World Vietnam - Hoa khôi Áo dài 2016, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2017.
Kể như vậy không phải để khoe, mà chỉ để chia sẻ rằng tôi cũng có những cơ hội tiếp xúc và hiểu nhất định về các cuộc thi nhan sắc.
Hoa hậu Thế giới, cuộc thi người đẹp lâu đời nhất được sáng lập năm 1951. Nó bắt nguồn từ một cuộc thi áo tắm, nhằm quảng bá để bán áo tắm. Dù các hoa hậu Thế giới đại diện cho sắc đẹp “vì hoà bình thế giới” song cuộc thi cũng gặp nhiều thăng trầm: Những cuộc tẩy chay tại chính quê hương nó ra đời, Anh Quốc, và các nước châu Âu tân tiến. Nhiều nhà nữ quyền cho rằng, các cuộc thi hoa hậu đặt phụ nữ lên “bàn cân” như những món hàng, cân đong đo đếm, đánh giá họ về thể hình, nhan sắc với một hệ quy chuẩn đầy áp đặt. Chính vì vậy, theo họ, thi hoa hậu trở thành “kẻ thù” của mọi phụ nữ. Chúng không tôn vinh vẻ đẹp đa dạng của mỗi cá nhân mà là sự áp đặt tiêu chí về cái đẹp cho số đông.
Nhưng thi người đẹp vẫn không ngừng "hot" ở các nước châu Mỹ La tinh, Mỹ và các nước châu Á. Dễ hiểu thôi, phụ nữ đẹp luôn là đề tài nóng hổi, luôn bắt mắt, bắt cả… tai (khi người ta theo dõi kỹ phát ngôn của cô), luôn gây sự tò mò. Huống chi, hàng trăm phụ nữ đẹp cùng tập trung khoe sắc với trang phục lộng lẫy, áo tắm nóng bỏng.
Và các cuộc thi nô nức mọc như nấm sau mưa. Mục đích là giải trí, thu hút tài trợ, kinh doanh, quảng bá du lịch, thậm chí phục vụ cả ý đồ chính trị.
Nếu lý giải rằng thi người đẹp để “giải cứu thế giới”, e chẳng ai tin. Nhưng nếu nói nó làm tổn hại đến thế giới cũng trật lất. Nên, vì quyền tự do, vì vẫn được quan tâm, người ta vẫn thi hoa hậu.
Ở Việt Nam thì sao? Những năm đầu tiên, những năm 80, cuộc thi đi theo tiêu chí “sắc đẹp vì mục đích cao cả”. Các hoa hậu được chấm điểm hạnh kiểm rất kỹ. Khi đã đeo vương miện trên đầu, công chúng nghiễm nhiên cho rằng các cô có nghĩa vụ phụng sự xã hội, làm từ thiện, nói lời hay, tiếng đẹp. Có những người đẹp hết nhiệm kỳ cả chục năm vẫn được gọi là hoa hậu.
Nhưng đi kèm vinh dự ấy, đôi vai của các cô gái trẻ gánh thêm trách nhiệm khá nặng nề. Vì “Hoa hậu được chọn ra để đại diện, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt”, nên các cô nhất quyết phải đầy đủ “Công- dung- ngôn- hạnh”, đẹp từ tâm hồn tới thể chất, từ nhân cách đến hành vi. Đã là hoa hậu, bạn phải hội tụ đủ.
Còn đến ngày nay, “thị trường nhan sắc” cũng muôn màu. Nền kinh tế được cởi mở cơ chế để làm ăn. Các loại hình kinh doanh, các chương trình giải trí, truyền hình, ca nhạc, hài tạp kỹ… được sản xuất liên hồi. Các cuộc thi người đẹp cũng không ngoại lệ.
Các cuộc thi giúp các cô gái “đoạt” vương miện một bước lên làm người khác. Từ danh hiệu đó, họ kiếm tiền từ quảng cáo, diễn thời trang, dự sự kiện “thét giá” ngàn đô… Đó chỉ là những cách kiếm tiền bề nổi. Bề chìm, có đại gia (chưa biết giàu thật hay không) tiếp cận làm quen, làm bạn gái, làm vợ, làm lẽ…
Tôi từng nghe nhiều khẳng định, rằng hoa hậu chỉ là danh hiệu, không phải là nghề. Nhưng giờ đây, vì có thể kiếm được bộn tiền từ “danh hiệu", tôi tin hoa hậu hoàn toàn có thể được coi là một nghề. Và dĩ nhiên, vì “cung - cầu” người đẹp chưa dứt, các cuộc thi mới tiếp tục được “sáng tạo” ra.
Nhưng tôi không vơ đũa cả nắm, bởi vẫn còn những cuộc thi sắc đẹp tương đối lành mạnh dù là số ít. Ở đó, cách tổ chức quy củ, ban giám khảo có tiêu chí rõ ràng, chất lượng thí sinh đồng đều với mặt bằng văn hóa không quá thấp. Các cuộc thi này không bị dính vào tai tiếng như mua giải, các dàn dựng phản cảm, hay sự ồn ào không đáng có.
Một số ít người đẹp có tài năng thực sự, họ vẫn giữ được uy tín nhiều năm sau khi nhận danh hiệu, tận dụng sự nổi tiếng sau cuộc thi làm được những việc có ích cho cộng đồng. Tôi tin đó là một cách thể hiện thái độ nghiêm túc với cái đẹp.
Người ta vẫn hỏi tôi, làm gì với hiện trạng thi người đẹp ồ ạt và không ít bê bối hiện nay. Tôi thường không muốn trả lời.
Bởi nếu nói thật thì tôi sẽ nói “Tốt nhất là không làm gì”. Vì sao? Vẫn theo luật cung - cầu, khi các cuộc thi trở nên quá nhiều, quá nhàm, quá nhạt, tự khắc sẽ giảm. Người ta sẽ không nhớ nổi ai là hoa hậu, ở cuộc thi nào. Nó sẽ tự dẹp, để nhường chỗ cho các trào lưu mới.
Thứ hai, nếu không chống vì các lý do “nữ quyền” như các nước phát triển, chúng ta chỉ còn cách thản nhiên mà đón nhận vô số danh hiệu người đẹp, hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi. Rất nhiều cuộc thi và không phải cuộc thi nào khán giả cũng lý giải được câu hỏi “để làm gì?”. Chúng ta có lẽ chỉ còn cách coi đó là những chương trình giải trí cũng như ca nhạc, hài, xiếc.
Sẽ chẳng ai bắt bạn công nhận tất cả các cô gái đoạt giải kia là đại diện sắc đẹp của dân tộc bạn, hay các giá trị con người của đất nước bạn.
H\'hen Niê: Hoa hậu truyền cảm hứng
Hoa hậu, bao giờ cũng là thông điệp và biểu tượng của cái đẹp, thân thiện và tính nhân văn. Hơn thế, H’Hen Niê, tân ... |
Khi tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bị sỉ nhục vì màu da nâu
Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H\'Hen Niê là một nhan sắc khác với hầu hết người chiến thắng các cuộc thi những năm ... |
Ngày đăng: 23:00 | 10/01/2018
/ Hà Anh/VnExpress