Nếu đề thi tư duy thì người dạy sẽ tư duy và sẽ có một thế hệ trò, thế hệ làm người tư duy đúng nghĩa, còn nếu thi cử như hiện nay thì chúng ta chỉ tạo ra một lối học đối phó, không hiệu quả, ảnh hưởng đến tư duy của một thế hệ trước mắt cũng như lâu dài.
Phổ điểm chuẩn là phổ điểm được phân bố dạng hình chuông úp đối xứng. Vậy phổ điểm của kỳ thi THPTQG 2018 đã đạt chuẩn hay chưa; và nếu thực sự nó tiến gần tới vị trí chuẩn thì liệu đề thi của chúng ta đã chuẩn?
Lấy môn Toán trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 làm ví dụ. Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, điểm trung bình môn toán cả nước là 4,86. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, tổng số thí sinh dự thi bài thi môn Toán năm nay là 917.494 thí sinh nhưng chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10.
Tổng số thí sinh có điểm dưới trung bình là 454.345, chiếm 49,52%. Số lượng thí sinh đạt điểm 9 - 10 là 577, chiếm 0,06%, trong khi số thí sinh đạt điểm 0 là 979 thí sinh.
Năm 2018, cả nước có 44.554 bài thi đạt 5,2 điểm. Vậy chúng ta lý giải như thế nào về ngưỡng này khi kỳ thi THPTQG năm 2017, đề thi được đánh giá là dễ hơn rất nhiều so với năm 2018 nhưng có tới 31.615 bài thi điểm 4.
Phải chăng do năm 2018 đề thi khó nên sau khi làm xong được 25 câu đầu quá dễ, lượng thí sinh có học lực trung bình khá chiếm đại đa số đã tích bừa đáp án của 25 câu khó ở phần sau và tạo nên độ vênh này.
Dẫn chứng nữa là môn Sinh học. Cả nước có 385.758 thí sinh dự thi môn Sinh, trong đó có 63,43% thí sinh có mức điểm dưới trung bình. Nguyên nhân là do rất nhiều thí sinh chọn tổ hợp KHTN nhưng môn Sinh chỉ là môn thi để xét tốt nghiệp (như khối A1, A, D07). Các thí sinh khi hoàn thành bài thi các môn xét tuyển đại học (Lý, Hóa), chỉ làm được những câu rất dễ trong đề thi Sinh (từ 1-2.5 điểm), sau đó tích bừa đáp án, trông chờ vào may rủi.
Sinh động nhất là môn Tiếng Anh. Đây là môn thi bắt buộc, cả nước có 814.779 thí sinh dự thi môn , trong đó có 78,22% thí sinh có mức điểm dưới trung bình.
Tỉ lệ quá lớn này phản ánh 2 vấn đề, đó là trình độ tiếng Anh ở bậc THPT của chúng ta rất kém. Rất may là đề thi không có phần nghe nói. Nếu đề thi có phần nghe nói thì tỉ lệ chắc còn thê thảm hơn.
Phổ điểm này không có gì ngạc nhiên bởi 3 vấn đề như sau:
Thứ nhất, số thí sinh đạt các chứng chỉ quốc tế về Anh ngữ hầu như không tham gia thi môn Tiếng Anh do được miễn thi (Quy định của Bộ). Các em này đã có lựa chọn du học nên kỳ thi này với các em chỉ với mục đích chính là xét tốt nghiệp và các em được miễn môn thi này.
Thứ 2, đại đa số học sinh vùng nông thôn chúng ta hạn chế về Anh ngữ nên phổ điểm chung thấp là điều hiển nhiên.
Thứ 3, rất nhiều thí sinh dự thi tiếng Anh chỉ để xét tốt nghiệp (khối A, A1, B) sau khi tự làm được 10 câu dễ trong đề đã tích đáp án kiểu hên xui.....Phổ điểm 3 điểm của môn Anh ngữ chiếm ưu thế đã khẳng định điều này.
Về lý thuyết thì một đề thi chuẩn sẽ có một phổ điểm chuẩn nhưng một phổ điểm chuẩn lại không có nghĩa là một đề thi đã chuẩn, đó chính là hai mặt của một vấn đề.
Thầy Phạm Ngọc Luận
Phổ điểm môn Sử cũng cho thấy con số thấp kỉ lục về điểm môn Sử của kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Điểm trung bình môn Sử thi THPT Quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ đạt 3,79 điểm.
Nếu chúng ta đỗ lỗi về trình độ các giáo viên dạy Sử hạn chế thì đó là một sai lầm. Hai nguyên nhân chính là học sinh ngán học Sử và môn Sử chỉ là môn xét tốt nghiệp của các em.
Có thể khẳng định rằng, việc tích bừa đáp án trong các kỳ thi trắc nghiệm luôn luôn xảy ra. Tuy nhiên nếu một đề thi được chuẩn hóa thì số câu hỏi buộc thí sinh đánh bừa phải ít, chỉ vào khoảng 5-10% với số lượng câu hỏi nhiều để đủ độ phân hóa.
Đề chuẩn hóa cũng có nghĩa là hạn chế đến mức thấp nhất lượng thí sinh đánh bừa và việc đánh bừa này chỉ là lý do về độ khó, chứ không phải lý do yếu tố thời gian. Từ khi chúng ta triển khai thi trắc nghiệm và sau đó là nhập 2 kỳ thi làm một và buộc thí sinh phải thi theo tổ hợp môn, thì phổ điểm thi thực ra chỉ mang tính tham khảo.
Để có được một phổ điểm chuẩn xác thì việc kết hợp thi tự luận và trắc nghiệm để mô phỏng hai biểu đồ của hai hình thức thi và có đối chứng mới thực sự hiệu quả. Thật đáng tiếc là chúng ta chưa có cơ sở thực nghiệm về hai hình thức này trên cùng một biểu đồ.
Trên thực tế mùa thi 2018 vừa qua, thí sinh khối A1 sẽ chọn hú hoạ với Hoá học và Sinh học; Thí sinh khối A sẽ chọn hú họa với Sinh học và Tiếng Anh; Thí sinh khối B sẽ chọn hú hoạ với Vật lý và Tiếng Anh; Thí sinh khối D sẽ chọn hú hoạ cả 3 môn thành phần của môn tổ hợp KHTN hoặc KHXH.
Phổ điểm của các môn thi với lượng thí sinh dưới điểm trung bình ở các môn thi ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống là những vì dụ hết sức sinh động. Đây là điều mà các quản lý giáo dục cần phải xem xét và đánh giá một cách trung thực khách quan. Với các thí sinh chọn hú hoạ ở các môn, ngoài việc tạo ra một lãng phí rất lớn, vô hình trung chúng ta đã có một cách nhìn lệch lạc về đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu chúng ta nói đề không khó, sao mức điểm trung vị trong các phổ điểm quá thấp? Vậy thì giáo viên không dạy được học sinh đạt điểm trung bình hay chính học sinh buộc phải thi môn mình không xét đại học để rồi vào phòng thi tích bừa đáp án một cách tưng bừng và khí thế đã làm cho điểm trung bình các môn bị thấp?.
Và điểm trung vị của phổ điểm dù có vẻ đẹp nhưng nó không đạt hiệu quả như chúng ta mong đợi bởi điểm ấy không phải do chính năng lực của các em tạo nên; càng không phải người dạy các em chưa đạt chuẩn.
Chúng tôi, những người đã thâm niên trong việc dạy và học cho rằng hình thức thi trắc nghiệm ở Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, gây tranh luận từ nhiều năm nay. Lý do rất dễ hiểu là chúng ta chưa có một cơ quan đánh giá độc lập về quá trình dạy học và thi cũng như chưa có một ngân hàng đề chuẩn hóa đúng nghĩa.
Hình thức trắc nghiệm có một số ưu điểm như chấm thi nhanh, điểm bài thi không bị ảnh hưởng chủ quan của người chấm. Tuy nhiên do chưa có hệ thống ngân hàng dữ liệu chuẩn hóa về đề thi (đề thi phải phục vụ cho phần đông thí sinh ở mức độ trung bình, trung bình khá đồng thời phải có chỗ cho sự sáng tạo và khác biệt).
Tóm lại, việc quyết tâm thi bằng được tất cả các môn bằng hình thức thi trắc nghiệm trừ môn Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian gần đây dù có những mặt tích cực nhất định nhưng đã bộc lộ không ít khiếm khuyết.
Bên cạnh khiếm khuyết lớn nhất là chúng ta quá bảo thủ, chưa thực sự lắng nghe ý kiến của các nhà giáo tâm huyết thì đề thi trắc nghiệm của chúng ta chưa thật sự chuẩn hóa.
Các môn thi thành phần KHTN quá dài dòng, nặng về tính toán mất hết bản chất của môn học; Các môn thi thành phần KHXH thì hầu hết là lý thuyết suông, dẫn nhập dài dòng, hàn lâm hóa các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Lượng câu hỏi quá ít, thời gian làm bài quá ngắn cũng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến tính công bằng trong thi cử.
Xin nhắc lại, một đề thi chuẩn sẽ có một phổ điểm chuẩn nhưng một phổ điểm chuẩn không hoàn toàn là một đề thi đã chuẩn, đó chính là mặt trái của vấn đề.
Tôi tin các môn khác như Lý - Sinh - Hóa nếu đầu tư chu đáo chúng ta sẽ có hàng loạt câu hỏi hay, tư duy, trả lại các môn thi về đúng bản chất của nó, chứ không nhất thiết là phải đẩy độ khó các môn này lên từ sự dài dòng và áp dụng quá nhiều chiêu giải sử dụng tư duy toán học.
Cũng cần nói thêm rằng, nếu đề thi tư duy thì người dạy sẽ tư duy và sẽ có một thế hệ trò, thế hệ làm người tư duy đúng nghĩa. Còn nếu thi cử như hiện nay thì chúng ta chỉ tạo ra một lối học đối phó, không hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục tư duy của một thế hệ trước mắt cũng như lâu dài.
Điểm thi Lịch sử thấp kỷ lục: Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp?!
Những thông tin mới về điểm thi Lịch sử năm 2018 khiến dư luận không khỏi băn khoăn nguyên nhân và cách giải quyết của ... |
10 con số chú ý về điểm thi THPT quốc gia 2018
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có 477 điểm 10, bằng 1/9 lần so với năm ngoái. Lịch sử và Tiếng Anh là ... |
Ngày đăng: 18:00 | 13/07/2018
/ https://vtc.vn