Việc phương Tây đẩy nhanh tốc độ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể khiến xung đột Nga - Urakine kéo dài và khốc liệt hơn, ngay cả khi Moscow khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán và bày tỏ hi vọng vào những tiến triển tốt đẹp giữa hai bên.

Tín hiệu xanh từ Nga

Trong khuôn khổ chuyến công du đến Nga, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres ngày 26/4 (giờ địa phương) đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm trao đổi vấn đề khủng hoảng Ukraine. Mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng đàm phán Nga-Ukraine sẽ mang lại kết quả tích cực và chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

"Dù chiến dịch quân sự đang diễn ra nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thể đạt được các thỏa thuận trên con đường ngoại giao", ông Putin nói. "Chúng tôi đang đàm phán (với Ukraine) và chúng tôi không từ chối đàm phán", ông chủ Điện Kremlin khẳng định.

Theo ông Putin, nỗ lực tại các cuộc đàm phán với Ukraine đã bị "chệch hướng" do những thông tin cho rằng lực lượng Nga có các hành động quân sự tại thị trấn Bucha ở ngoại ô Kiev. Ông nhấn mạnh quân đội Nga không liên quan tới sự kiện ở làng Bucha, khẳng định phía Nga nhận thức rõ những quan ngại về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và sẵn sàng thảo luận về việc này.

Thêm nhiều tín hiệu trái chiều -0
Tổng thống Nga Putin đã tiếp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres tại điện Kremlin 4 nhằm trao đổi vấn đề khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Reuters 

Về phần mình, Tổng Thư ký Guterres một lần nữa kêu gọi Moscow và Kiev phối hợp với LHQ nhằm thiết lập các hành lang viện trợ và sơ tán nhằm trợ giúp dân thường tại Ukraine. Người đứng đầu LHQ cho biết, tổ chức này cùng với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) sẵn sàng cung cấp trợ giúp cho việc sơ tán dân thường được cho là bị kẹt cùng với các quân nhân Ukraine tại nhà máy thép Azovstal bị bao vây bên trong thành phố Mariupol, Ukraine.

Ông Guterres tuyên bố: "Đây sẽ là một chiến dịch sơ tán dân thường khỏi nhà máy. Nga thường bị đổ lỗi về việc không tiến hành sơ tán. Nhưng mặt khác, Nga lại tuyên bố rằng các hành lang nhân đạo đã được lập ra nhưng lại không được sử dụng hiện nay".

Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Putin cho rằng nhà lãnh đạo LHQ chưa nhận được thông tin chính xác về các hành lang nhân đạo do Nga lập ra. Ông Putin lưu ý rằng hơn 100.000 dân thường đã rời khỏi Mariupol thông qua các hành lang đó.

Nguy cơ vượt lằn ranh đỏ

Vào thời điểm cuộc hội đàm giữa Tổng thư ký LHQ và Tổng thống Nga đang diễn ra, một cuộc họp do Mỹ chủ trì cũng được thực hiện ở căn cứ không quân Ramstein, Đức với sự tham gia của hơn 40 quốc gia bao gồm tất cả các thành viên NATO. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết, nước này đã bắt kịp tốc độ vận chuyển nhanh tới chiến trường Ukraine, gấp rút cung cấp vũ khí hạng nặng trị giá hơn 1 tỷ USD và các khoản viện trợ khác cho Kiev bằng đường biển và đường hàng không.

Cuộc họp này được Mỹ tổ chức nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác để hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine chống lại Nga. Kết thúc cuộc họp, hơn 30 đồng minh và đối tác đã cam kết viện trợ quân sự và trang thiết bị cho Ukraine với tổng giá trị hơn 5 tỷ USD.

Cần lưu ý rằng, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, phương Tây liên tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị giúp Kiev đối phó đà tiến công của Moscow. Thậm chí, gần đây, khi Nga chuyển trọng tâm, dồn lực lượng cho mặt trận Donbass ở miền Đông Ukraine, các nước phương Tây cũng rục rịch chuyển cho Kiev những vũ khí hiện đại hơn, hạng nặng hơn như hệ thống phòng thủ tên lửa, xe tăng, xe bọc thép, máy bay không người lái chiến thuật. Động thái này, theo Politico, không hề có lợi cho chiến sự tại Ukraine về lâu dài.

Trên thực tế, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây vừa tuyên bố, nếu vũ khí của phương Tây tiếp tục "chảy" vào Ukraine thì các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh sẽ không mang lại kết quả nào. Theo Ngoại trưởng Nga, việc NATO "đổ thêm dầu vào lửa" vào cuộc xung đột Ukraine sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 3.

"Những vũ khí cung cấp cho Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Các kho vũ khí tại miền Tây Ukraine nhiều lần là mục tiêu tấn công của các lực lượng Nga. Việc các nước phương Tây và NATO trang bị vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc tham gia chiến tranh với Nga thông qua một bên được ủy nhiệm. Điều này thực sự tạo ra rủi ro khiến cuộc xung đột lan rộng", ông Lavrov nhấn mạnh.

Vào thời điểm Nga, Ukraine và phương Tây đang phát đi những tín hiệu khác nhau, giới phân tích nhận định, đàm phán để hướng tới một thỏa thuận hòa bình vẫn là cách duy nhất giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 tháng qua. Tuy nhiên, đây sẽ là một con đường không dễ dàng, khi phương Tây chắc chắn sẽ tiếp tục viện trợ quân sự số lượng lớn cho Ukraine, còn phía Nga có lẽ cũng sẽ không để những lời cảnh báo chỉ nằm trên giấy bút.

Gazprom, tập đoàn cung cấp khí tự nhiên lớn của Nga đã thông báo dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan ngày 27/4 sau khi 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Việc cung cấp khí đốt sẽ không được nối lại cho tới khi Bulgaria và Ba Lan tuân thủ các điều khoản mới.

Tập đoàn năng lượng Nga cảnh báo nếu Bulgaria và Ba Lan rút lượng khí đốt trung chuyển của Nga dành cho các quốc gia khác, công ty này sẽ giảm một lượng bằng với lượng mà Sofia và Warsaw đã rút bất hợp pháp.

Động thái này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia áp lệnh trừng phạt lên Nga nhưng vẫn nhập khẩu khí đốt từ nước này phải thanh toán bằng đồng ruble. Động thái này càng làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Nga và các nước châu Âu.

 
 

Ngày đăng: 08:30 | 28/04/2022

Linh Chi / cand.com.vn