Đến nay, đã ghi nhận 15 ca mắc đậu mùa khỉ, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Đặc biệt trong khoảng 2 tuần đã phát hiện 13 người mắc căn bệnh này.

Tăng ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh có dễ lây lan?

Theo báo cáo mới từ Sở Y tế TP.HCM, tại đây đã phát hiện thêm 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ vào ngày 6/10, nâng tổng số ca bệnh tính đến thời điểm này lên 13 ca. 

Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan, Trung Quốc vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.

photo-1-1664791539215663413134
Các tổn thương da của căn bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa).

Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly để theo dõi, điều trị. Sức khỏe của các bệnh nhân ổn định.

Như vậy, tính riêng đến thời điểm này, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm bệnh đầu mùa khỉ, trong đó có 13 ca tại TP.HCM và 2 ca ở Bình Dương.

BS CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, đậu mùa khỉ (Mpox) có nhiều đường lây như: Tiếp xúc thân gần kéo dài (hôn, quan hệ tình dục, hít phải giọt bắn, dịch tiết... hoặc từ nguồn động vật hoang dã).

Tuy nhiên, theo thống kê của WHO và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát Mpox tại hơn 100 quốc gia trên thế giới vào năm 2022-2023, bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có 2 đặc điểm quan trọng. 

Đây sẽ là cơ sở kiến thức để người dân hiểu và biết cách phòng bệnh cũng như bình tĩnh, không hoang mang quá mức nếu không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Điểm thứ nhất là hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam (MSM), người song tính (bisexual) và đáng chú ý những người có nhiều bạn tình hoặc người mới có bạn tình là nhóm có nguy cơ rất cao. Đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục.

Điểm thứ 2 là đa số bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục: Dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ, âm đạo, hậu môn... do liên quan đến đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ.

"Qua 2 đặc điểm mô tả trên, có thể thấy rằng, đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Mpox có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. 

Tuy nhiên, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Bệnh này sẽ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu dường…)", BS Hoa cho biết.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

Theo BS Hoa, người dân không phải lo lắng quá mức và hãy cảnh giác, chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định, hỗ trợ điều trị và cách ly, tránh lây cho người khác.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu và đậu mùa khỉ đã được dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5/2023.

Có lo ngại bùng dịch đậu mùa khỉ?

Đánh giá nguy cơ bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho rằng: "Đậu mùa khỉ đã lây lan ở phạm vi nhiều nước trên thế giới, do vậy, việc bệnh xâm nhập vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Theo đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện, thậm chí là tình huống sau này dịch lưu hành tại Việt Nam".

Về cơ bản, đậu mùa khỉ là bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, độc lực của bệnh không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Do vậy, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B và cần thực hiện các biện pháp phòng, chống như các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B, có đường lây tương tự.

Đậu mùa khỉ lây truyền trực tiếp giữa người lành và người mang bệnh, hoặc tiếp xúc với các dịch chứa virus đậu mùa khỉ.

Theo khuyến cáo của ông Trung Cấp, "khi dịch chưa lưu hành ở Việt Nam, chúng ta cần cố gắng phát hiện sớm những ca mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly sớm. Đồng thời, giám sát những người tiếp xúc gần để cách ly sớm. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản và hiệu quả nhất. 

Không may, khi đậu mùa khỉ trở thành dịch lưu hành tại Việt Nam, lúc đó, người dân ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, với những tổn thương của đậu mùa khỉ thì cần chủ động cách ly, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh, nhằm tránh phát tán những dịch sinh vật và virus ra môi trường bên ngoài, gây lây nhiễm cho người khác".

Ngày đăng: 13:10 | 09/10/2023

Vũ Vũ / Báo Giao thông