Nếu đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở Olympic Tokyo năm nay, đó cũng không phải thất bại. Trên thực tế, vấn đề lớn nhất cần giải quyết ngay là số lượng vận động viên thi đấu đỉnh cao, những người có đủ trình độ vươn đến đẳng cấp của Olympic.

Thiếu và yếu

2 tấm huy chương của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio (1 HCV, 1 HCB) không phản ánh hết thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Thế vận hội 2016. 5 năm trước, Việt Nam đến Brazil với một đội ngũ hùng hậu gồm 23 vận động viên, thi đấu ở 10 nội dung, trong đó có không ít hạng mục cạnh tranh huy chương.

Ở những kỳ Olympic trước năm 2000, số lượng VĐV tham dự Thế vận hội của Việt Nam khá ít, thường chưa đến 10 người. Phải đến khi bước sang Thiên niên kỷ mới cùng tấm huy chương bạc lịch sử của Trần Hiếu Ngân, thể thao Việt Nam mới chứng kiến bước nhảy vọt trong huấn luyện thành tích cao.

Từ Athens 2004 đến Rio 2016, số lượng VĐV đạt chuẩn Olympic của Việt Nam không ngừng tăng lên, trong đó rất nhiều người đạt chuẩn A. Ngoài những môn chúng ta có thế mạnh truyền thống như bắn súng, cử tạ, thể thao Việt Nam còn cải thiện thành tích ở những môn thể thao đại diện cho Thế vận hội như bơi lội, điền kinh.

Thể thao Việt Nam ở Olympics: Thiếu cả lượng và chất
Hoàng Xuân Vinh không có lứa VĐV kế cận ở môn bắn súng.

Thành công của thể thao Việt Nam ở Olympic Rio 2016 khiến chúng ta không ngần ngại đề ra chỉ tiêu giành 20 suất đến Olympic Tokyo. Đây là mục tiêu tất yếu cần hướng tới, nhất là khi số vận động viên tranh tài ở đấu trường thế giới của đoàn Việt Nam không ngừng tăng lên. Tuy vậy, đó cũng là thời điểm đánh dấu kế hoạch chinh phục Olympic đổ vỡ.

COVID-19 không phải lý do duy nhất khiến số vận động viên tham dự Thế vận hội của Việt Nam sụt giảm. 3 tháng trước ngày Olympic Tokyo chính thức khai mạc, Việt Nam có chưa đến 10 suất trực tiếp đến đấu trường thế giới. Những người nhận vé đến Nhật Bản sau này cũng chỉ đạt chuẩn B Olympic và đến theo diện được mời tham gia, chứ không có suất chính thức (chuẩn A).

Thực chất những VĐV chuẩn B đến Olympic chỉ là một phần trong chương trình phân bổ công bằng số phiếu tham dự giữa các châu lục của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong trường hợp của Ánh Viên, cô đến Tokyo theo diện "phiếu bình đẳng giới".

Chỉ có Nguyễn Huy Hoàng chính thức đến Thế vận hội với 2 suất chuẩn A, còn Ánh Viên đi "ké" nhờ chính sách nếu một quốc gia X có bao nhiêu suất dành cho nam, thì nữ cũng được nhận bấy nhiêu suất. Trước đó vào năm 2016, Ánh Viên cũng giúp đàn anh Hoàng Quý Phước đi "ké" đến Olympic Rio nhờ chính sách này.

Những thay đổi về công bằng số phiếu tham dự Olympic của IOC, suy cho cùng chỉ nhằm tạo điều kiện cho những quốc gia không thực sự mạnh về thể thao có dịp trải nghiệm Thế vận hội. Những VĐV họ mang theo không thể tranh tài với dàn tinh hoa của những cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc, Anh và Nhật Bản.

Sự thực là những VĐV đi theo chuẩn "ké" hay công bằng châu lục đều sớm bị loại và không để lại ấn tượng gì nhiều. Vì thế, 18 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2021 của Việt Nam thực chất có thể còn ít hơn nữa nếu như IOC nâng cao tiêu chuẩn như những kỳ Thế vận hội trước.

Những cái tên "trường tồn với thời gian"

Tiến Minh hay Xuân Vinh có thể là biểu tượng thể thao với thâm niên ở đội tuyển và số kỳ tham dự Olympic, nhưng việc họ "cắm rễ" lại cho thấy một vấn đề khác. 13 năm trước, Nguyễn Tiến Minh giúp cầu lông Việt Nam lần đầu có một VĐV tham dự Olympic ở đội dung đơn nam. Từ đó đến nay chúng ta có thêm Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh ở nội dung đơn nữ; nhưng đơn nam ngoài Tiến Minh thì không có ai cả.

Từ một tay vợt ở ngoài độ tuổi đôi mươi, Tiến Minh giờ đã 38 tuổi nhưng vẫn phải "cày" giúp thể thao Việt Nam có chỉ tiêu dự Olympic. Không thi đấu trường kỳ ở Olympic lâu như Tiến Minh, nhưng Hoàng Xuân Vinh cũng đã cày ải đến kỳ Thế vận hội thứ ba. 5 năm trước, xạ thủ số 1 Việt Nam còn có người đồng đội Trần Quốc Cường cùng đi đến Thế vận hội nhưng bây giờ anh không có ai cả.

Ở môn cầu lông, những người đàn em của Tiến Minh cố gắng đến mấy cũng không thể vào nổi top 100 tay vợt hàng đầu thế giới. Về phía Hoàng Xuân Vinh, anh hiện đã 47 tuổi nhưng lứa VĐV kế cận vẫn chưa kịp lớn. Câu hỏi "Ai là người thay thế họ" đã tồn tại từ nhiều năm trước và đến giờ vẫn chưa có lời giải.

Nếu như Hoàng Xuân Vinh, hay Nguyễn Tiến Minh chia tay đội tuyển quốc gia sau Olympic Tokyo, có lẽ Việt Nam sẽ lâm vào vùng trắng ở 2 môn thể thao họ từng tham dự. Đó sẽ là vết thương chí mạng với những người làm thể thao thành tích cao, vốn đã quen với sự đóng góp không ngừng nghỉ từ một vài cựu binh quá vượt trội so với phần còn lại.

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là thể thao Việt Nam không có những điểm sáng giữa màn đêm. Ánh Nguyệt và Phi Vũ là hai mầm hy vọng cho tương lai. Ánh Viên bước qua thời kỳ đỉnh cao, chung ta lại sở hữu một Nguyễn Huy Hoàng xuất sắc có phần hơn cả người đàn chị. Ngay cả bộ môn Rowing với Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo cũng sẽ là nguồn VĐV lâu dài trong tương lai, bởi Thảo mới chỉ 21 tuổi. Ngoài ra, cử tạ vẫn là một bộ môn thế mạnh của Việt Nam ở những hạng cân nhẹ.

Thể thao Việt Nam đau đáu huy chương vàng ở Olympic Thể thao Việt Nam đau đáu huy chương vàng ở Olympic
Cung thủ xinh đẹp mở màn Olympic Tokyo cho thể thao Việt Nam Cung thủ xinh đẹp mở màn Olympic Tokyo cho thể thao Việt Nam

An Khánh

Ngày đăng: 09:53 | 26/07/2021

/ cand.com.vn