Ngoại trừ bóng đá, những môn thể thao còn lại của Việt Nam gần như không thể duy trì tần suất tổ chức thi đấu quanh năm. Đây là điều kiện cần để nâng cao phong độ cho vận động viên (VĐV) và hướng đến những giải quốc tế, nhưng lại gặp khó vì nhiều nguyên nhân khách quan.
1 năm 3 giải, vận động viên làm gì?
Trong sơ đồ hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao của Việt Nam, bóng đá là môn hiếm hoi có mật độ thi đấu dày đặc trong năm. Ở những môn thể thao còn lại, VĐV thường có khá ít cơ hội tranh tài. Trung bình mỗi năm, VĐV ở 1 môn thi đấu chỉ tham gia 2-3 giải cấp độ quốc gia. Lịch thi đấu này khiến nhiều địa phương phải thay đổi để điều chỉnh, sao cho phù hợp với mức độ cần thiết của từng môn thi đấu. Thông thường, VĐV được tập trung với cường độ cao trong khoảng 1 tháng trước khi giải đấu diễn ra. Điều đó cũng có nghĩa, thời gian VĐV tập trung cao độ chỉ kéo dài 2-3 tháng mỗi năm.
"Kế hoạch tập luyện của từng môn được dựa trên lịch thi đấu đề ra. Với thời điểm sau mỗi giải đấu, chúng tôi phải tìm cách điều chỉnh cường độ tập luyện cho VĐV. Không thể bắt các em tập nặng trong thời gian dài mà không thi đấu, bởi điều này có thể dẫn đến căng thẳng tâm lý, cũng như những chấn thương không đáng có", một HLV chia sẻ.
Trong câu chuyện của các địa phương, ngành có phát triển thể thao thành tích cao, họ không có khái niệm "nghỉ" sau giải đấu. Nhưng làm thế nào để một VĐV có thể duy trì thể trạng, phong độ ở mức vừa phải, trước khi tập trung cao độ ở một giải đấu lớn diễn ra trong 5-6 tháng sau? Mỗi địa phương lại có câu trả lời riêng cho mình. Công thức đơn giản nhất để các VĐV được thi đấu thường xuyên hơn là tham gia nhiều hơn 1 môn thể thao. Điều này dễ nhận thấy nhất ở các nhóm môn võ như Boxing, Kickboxing, Võ cổ truyền, hoặc Muay, cũng như Judo, Jujitsu và Kurash. Đây là những môn có nhiều điểm tương đồng, nên có thể "phối hợp" để thi đấu. Không ít địa phương, bộ môn thừa nhận việc để VĐV thi đấu ở nhiều môn khác nhau là cách giúp họ tồn tại và phát triển. Cách này giúp họ giữ lượng VĐV trên hợp đồng ở mức tối thiểu, đồng nghĩa với quỹ lương, ngân sách không bị phình to. Ngoài ra, VĐV cũng có cơ hội được thi đấu nhiều hơn, có thêm tiền thưởng thông qua huy chương. Khác với những công việc văn phòng thông thường, VĐV thể thao thường không có tháng lương thứ 13, hay thưởng Tết. Điều đó cũng đúng ở bóng đá, môn thể thao có mức độ chuyên nghiệp hóa cao nhất hiện nay. Vì thế, tiền thưởng huy chương cũng giống như tiền thưởng Tết cho các VĐV.
Không dễ tăng tần suất
Mặt trái của hiện tượng VĐV thi đấu nhiều hơn 1 môn thể thao thành tích cao, đó là mức độ tập trung cho môn thế mạnh không được đảm bảo. Nhiều địa phương thường ví von họ đang đào tạo VĐV "3 môn phối hợp", đổi lại, họ bị gắn mác "nấu lẩu thể thao" với cách làm như hiện tại.
Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Câu nói này cũng đúng trong giới thể thao thành tích cao. Một VĐV hướng đến đấu trường quốc tế không thể liên tục thi đấu 2-3 môn thể thao khác nhau, nơi thể thức và luật luôn có sự khác biệt rất lớn. Điều này càng đúng với những môn Olympic, nơi tính chuyên môn hóa được nâng lên mức rất cao. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng "nấu lẩu" trong thể thao thành tích cao là các môn phải học theo mô hình của bóng đá. Từng môn thể thao phải có hệ thống thi đấu liên tục trong 1 năm dương lịch. Ví dụ tiêu biểu nhất là trong một môn Olympic như Boxing.
Việt Nam chỉ có 3 giải thành tích cao mỗi năm, trong khi các nước khác là 6-7 giải. Việc duy trì mật độ thi đấu 6-7 giải thành tích cao mỗi năm giúp các VĐV quốc tế luôn duy trì nhịp độ tập luyện cao. Từ đó, phong độ của họ luôn đạt mức tốt, qua đó hướng đến những giải đấu quốc tế dễ hơn. Quá trình tập trung đội tuyển quốc gia cũng diễn ra theo đợt như bóng đá, thay vì tập trung quanh năm như Việt Nam đang làm hiện tại.
Ai cũng hiểu lợi ích của việc tăng tần suất các giải thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu điều đó trở thành hiện thực? Việt Nam có khoảng cách địa lý lớn giữa các khu vực, khiến chi phí đi lại bị đẩy lên rất cao. Không ít địa phương gặp khó với mật độ 3 giải mỗi năm, và họ chắc chắn "bó tay" nếu con số là 6-7 giải.
Ngoài bóng đá, môn thể thao hiếm hoi có thể thi đấu liên tục trong 1 năm dương lịch ở Việt Nam là bóng rổ. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, 2/7 đội bóng rổ nhà nghề Việt Nam nhiều khả năng sẽ dừng hoạt động trong mùa tới. Đây giống như một đòn giáng mạnh vào nỗ lực phát triển thể thao chuyên nghiệp, cũng như xã hội hóa nguồn lực. Việc thi đấu liên tục cũng chưa thể áp dụng ở bóng chuyền. Vấn đề thi đấu định kỳ hàng tuần từng được đề xuất, nhưng cuối cùng bị bác đi do các bên không thể kham nổi kinh phí. Bởi khi đó, các CLB bóng chuyền vốn bỏ tiền trả lương cho ngoại binh trong vòng 1-2 tháng, nay sẽ phải "bao thầu" quanh năm cùng một khoản phí không nhỏ.
Mỗi VĐV là một "siêu nhân"
Tại Việt Nam, cầu thủ bóng đá thường thi đấu 30-40 trận chính thức trong một năm. Con số này bao gồm cả những trận đấu thuộc đội tuyển quốc gia. So với phạm vi quốc tế, con số này là quá khiêm tốn. Ở các giải đấu hàng đầu thế giới, cầu thủ bóng đá thường xuyên thi đấu 50-60 trận mỗi mùa. Tuy nhiên, bóng đá không phải môn thể thao có mật độ thi đấu dày nhất. Trong môn bóng rổ, giải nhà nghề Mỹ (NBA) có 82 vòng đấu trong một mùa bóng kéo dài 6 tháng. VĐV thuộc những đội hàng đầu sẽ phải thi đấu nhiều hơn khi bước vào vòng playoff nhằm tìm ra nhà vô địch. Vì thế, số trận họ thi đấu có thể ở mức trên dưới 100 trận mỗi mùa. So với bóng rổ, số trận đấu của môn bóng chày trong giải nhà nghề Mỹ thậm chí còn lớn hơn nhiều. Một mùa giải bóng chày của Mỹ có 162 vòng đấu, kéo dài trong 7-8 tháng. Các CLB thi đấu liên tục và thường chỉ được nghỉ 1 ngày trong 2 tuần. Cường độ hoạt động của VĐV bóng chày không liên tục như các môn khác, nên họ mới có thể thi đấu nhiều hơn.
https://cand.com.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-gap-kho-trong-viec-tang-tan-suat-giai-dau-i733120/
Ngày đăng: 10:28 | 03/06/2024
An Khánh / CAND