Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 tới gần, cả 2 ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hoà đang tập trung vào những nhóm cử tri đóng vai trò quyết định.

Ở các quốc gia có chế độ bỏ phiếu bắt buộc, chẳng hạn như Australia và nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh, hệ thống này thường đảm bảo rằng phần lớn cử tri sẽ bỏ phiếu sau mỗi cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ở Mỹ, câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Hai phần ba số cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1900.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống trước năm 2020 có xu hướng dao động trong khoảng từ 50% đến 65%. Trong đó, một số nhóm cử tri quan trọng có thể thay đổi cục diện cuộc bầu cử năm nay.

Những người không bỏ phiếu

Theo hệ thống bỏ phiếu bầu cử Tổng thống theo Đại cử tri đoàn khác của Mỹ, ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất trên toàn quốc không phải người sẽ thắng cử. Trong 25 năm qua, đảng Dân chủ 2 lần giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trong cuộc đua giành chức Tổng thống nhưng vẫn phải nhận lại phần thua. Điển hình là trận thua của bà Hillary Clinton trước ông Donald Trump trong năm 2016.

Kết quả bầu cử phụ thuộc nhiều vào nhóm cử tri trung lập tại các bang chiến địa quan trọng. Tại các bang này, người chiến thắng sẽ giành được toàn bộ lá phiếu ủng hộ từ đại cử tri, bất kể khoảng cách giữa 2 ứng viên là bao nhiêu.

Ông Trump và bà Harris đang tập trung vào những cử tri đóng vai trò quyết định của cuộc bầu cử năm nay. (Ảnh: EPA)

Ông Trump và bà Harris đang tập trung vào những cử tri đóng vai trò quyết định của cuộc bầu cử năm nay. (Ảnh: EPA) 

Có một thực tế, đó là nhiều cử tri thậm chí không muốn tham ra bỏ phiếu. Nhưng theo The Conversation, việc một cử tri từ chối bỏ phiếu lại gửi đi một tín hiệu khác, họ từ chối bầu cho ứng viên mình ủng hộ và mang lại lợi thế cho người họ không lựa chọn. Do đó, việc không bỏ phiếu thực chất lại khiến các cử tri “quay lưng” với lợi ích của chính mình.

Khi cuộc bầu cử Tổng thống năm nay giữa ông Trump và bà Harris đang đến gần, câu hỏi được đặt ra là tỷ lệ cử tri không bỏ phiếu sẽ ra sao?

Trong những năm gần đây, Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về mặt đảng phái và chính trị. Trong đó, khoảng 30% người Mỹ tự nhận là đảng viên Cộng hòa và 30% tự nhận là đảng viên Dân chủ, hầu như không có sự khác biệt nào về tổng số cử tri ủng hộ mỗi đảng lớn. Mặt khác,40% người Mỹ còn lại tự nhận là "độc lập" - tức là không nghiêng hẳn về bất kỳ đảng chính trị lớn nào.

Tuy nhiên, gần 7 thập kỷ nghiên cứu về cử tri Mỹ cho thấy những người độc lập "nghiêng" rất nhiều về một trong hai đảng, với khoảng một nửa nghiêng về đảng Cộng hòa và một nửa còn lại nghiêng về đảng Dân chủ.

Theo dữ liệu thăm dò mới nhất của Gallup, 9% đảng viên Cộng hòa hiện có quan điểm không tốt với ông Trump. Ngược lại, chỉ có 5% đảng viên Dân chủ có quan điểm không ủng hộ bà Harris.

Chính nhóm cử tri không hài lòng với ứng viên đảng mình mới là những người nhiều khả năng không tham gia  bỏ phiếu. Họ không muốn bỏ phiếu cho "đảng đối thủ", nhưng họ cũng không ủng hộ đại diện đảng mình.

Ví dụ, phụ nữ Cộng hòa ở vùng ngoại ô, một cựu binh và một đảng viên Cộng hòa truyền thống đã thể hiện sự chán nản với lập trường của ông Trump về quyền sinh sản và an ninh quốc gia, cũng như tính khí của ông.

Do đó, nếu những cử tri Cộng hòa và thiên về Cộng hòa bất mãn này quyết định ở nhà và không tham gia bỏ phiếu vào ngày 5/11, lợi thế sẽ nghiêng về bà Harris.

Cử tri gốc Do Thái

 

Nhóm cử tri thứ hai có thể thay đổi kết quả bầu cử là nhóm cử tri Mỹ gốc Do Thái. Người Do Thái thường chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số cử tri trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, chiếm khoảng 2% tổng số cử tri đi bỏ phiếu.

Mặc dù số lượng tương đối nhỏ, nhưng đây vẫn được coi là một khối cử tri quan trọng, đặc biệt là ở các tiểu bang chiến địa.

Theo truyền thống, phần lớn cử tri Do Thái ở Mỹ có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ, mặc dù có sự khác biệt tùy thuộc vào cuộc bầu cử cụ thể và bầu không khí chính trị.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thu hút các cử tri gốc Do Thái bỏ phiếu cho ông. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thu hút các cử tri gốc Do Thái bỏ phiếu cho ông. (Ảnh: Reuters) 

Ông Donald Trump hiểu rất rõ về vai trò của những người này đối với chiến dịch của ông. Trong bài phát biểu tại hội nghị quốc gia của Hội đồng người Mỹ gốc Israel ở Washington, đại diện đảng Cộng hoà từng phàn nàn về việc phần lớn cử tri Do Thái đang “quay lưng” với ông.

Theo đó, cựu Tổng thống Mỹ đang tìm cách “tán tỉnh” nhóm cử tri này với các tuyên bố như sự ủng hộ của ông trong cộng đồng cử tri Do Thái đã tăng từ 25% năm 2016 lên 29% năm 2020. “Và dựa trên những gì tôi đã làm và tình yêu mà tôi có – cùng tình yêu mà các bạn có –  con số này nên đạt 100%”, ông than thở.

Ông Trump khẳng định rằng ông đã "là Tổng thống Mỹ tốt nhất từ trước đến nay", dưới sự dẫn dắt của ông, quan hệ giữa Mỹ và Israel đã có nhiều bước phát triển. Dù vậy, một cuộc thăm dò mới cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cộng đồng cử tri Do Thái với ông Trump vẫn dưới mốc 40%.

“Các bạn không thể để điều này xảy ra. 40% là không thể chấp nhận, vì chúng ta còn có một cuộc bầu cử cần chiến thắng”, ông Trump nhấn mạnh.

Tại sự kiện gây quỹ với chủ đề "Chống lại Chủ nghĩa Bài Do Thái ở Mỹ", ông Trump nói thêm: “Lời hứa của tôi với người Do Thái Mỹ là: Với lá phiếu của các bạn, tôi sẽ là người bảo vệ, người che chở của các bạn, và tôi sẽ là người bạn tốt nhất mà người Do Thái Mỹ từng có trong Nhà Trắng. Nhưng nói cho công bằng, tôi đã là người đó rồi.”

Ông chỉ trích bà Harris về cách chính quyền của Tổng thống Joe Biden xử lý cuộc xung đột Israel-Hamas, và những gì ông gọi là các cuộc biểu tình bài Do Thái tại các trường đại học và nơi khác.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống cũng nhiều lần nhấn mạnh đến điểm yếu chính trị rõ ràng: sự khó khăn dai dẳng của ông trong việc giành được sự ủng hộ từ cử tri Do Thái. Ông lặp lại quan điểm cho rằng những người Do Thái bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ “nên xem xét lại”.

Cử tri Hồi giáo

Wiscounsin là một trong những bang chiến địa quan trọng mà cả ông Trump và bà Harris đang hướng tới. Đáng nói, đây là nơi sinh sống của 40.000 cử tri theo đạo Hồi. Trong năm 2020, các cử tri Hồi giáo đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Joe Biden với tỷ lệ áp đảo lên tới 86%. Tuy nhiên, năm nay, tình hình có thể sẽ khác.

Một cuộc thăm dò gần đây do Hội đồng Quan hệ Hồi giáo-Mỹ (CAIR) thực hiện cho thấy khoảng 60% cử tri Hồi giáo đang cân nhắc các ứng cử viên của bên thứ ba hoặc vẫn chưa quyết định.

Các cử tri Hồi giáo đang cân nhắc bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba không phải Dân chủ và Cộng hoà. (Ảnh: Newsweek)

Các cử tri Hồi giáo đang cân nhắc bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba không phải Dân chủ và Cộng hoà. (Ảnh: Newsweek) 

Farhat Khan, một bác sĩ ở Wisconsin, cho biết ông đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vào năm 2020 và không có ý định lặp lại quyết định này trong cuộc bầu cử năm nay.  Thay vào đó, phần lớn cử tri Hồi giáo đang thể hiện sự ủng hộ với bà Jill Stein, một ứng viên đảng Xanh cũng tham gia cuộc đua.

“Tôi biết bà Stein sẽ không vào được Nhà Trắng nhưng nếu bà ấy giành được 20.000 hoặc 30.000 phiếu bầu ở Wisconsin và đảng Dân chủ thua cuộc, đây sẽ là bài học để họ hiểu rằng họ không nên bỏ qua cộng đồng cử tri cũng đang phát triển này”, ông Khan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giữa 2 ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hoà hiện nay, các cử tri Hồi giáo vẫn nghiên về phía bà Harris hơn. Đến nay, khoảng 29% có kế hoạch bỏ phiếu cho Jill Stein, ứng cử viên của Đảng Xanh, trong khi khoảng 29% ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris. Trong khi đó, chỉ khoảng 11% đang nghiêng về ông Donald Trump.

https://vtcnews.vn/the-luc-nao-se-dinh-doat-ket-qua-bau-cu-my-ar898305.html

Ngày đăng: 09:26 | 28/09/2024

Kông Anh / VTC News