"Tôi không muốn chờ đợi đến tận ngày tôi chính thức nhậm chức. Ngay tối 5/11, tôi sẽ gọi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tôi sẽ nói với họ rằng: Chúng ta phải dừng (cuộc chiến này) lại. Tôi sẽ giải quyết vấn đề đó ngay lúc tôi giành chiến thắng". Tân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố như thế trước khi đắc cử.
Ukraine này, còn rất nhiều điểm nóng trong đời sống quốc tế toàn cầu cũng đang chờ đợi nước Mỹ - dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump - mang tới những thay đổi. Chỉ có điều, những tác động đó sẽ diễn ra theo những chiều hướng khác nhau, tùy theo từng lĩnh vực hay chủ thể.
Cơn run rẩy của các nền kinh tế
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004 được không ít chuyên gia đánh giá là có sức tác động sâu rộng đến không chỉ lịch sử nước Mỹ, mà còn đối với thế giới. Cho đến hiện tại, Mỹ vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu và bất cứ thay đổi nhỏ nhất nào về chính sách chung của Mỹ cũng có thể tạo nên những "hiệu ứng cánh bướm" đối với cả hệ thống kinh tế quốc tế.
Khác với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, (cũng như người kế thừa tuyệt đối là ứng viên vừa thất bại trước Trump - đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris), ông Donald Trump lựa chọn mục tiêu hành động một cách rõ ràng qua slogan “Nước Mỹ trên hết!” (America first!). Hiểu một cách đơn giản nhất, như thực tế nhiệm kỳ trước đã chứng minh, ông sẽ làm mọi cách để thu vén nhiều lợi ích nhất có thể về cho các công dân Mỹ, trong mọi mối quan hệ hợp tác kinh tế.
Bởi vậy, hãng tin Reuters nhận xét: Nếu ông Donald Trump chỉ thực hiện một phần nhỏ trong số các cam kết của mình - từ áp thuế quan thương mại cao hơn, đến bãi bỏ quy định cho phép khai thác dầu nhiều hơn, đồng thời đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với các đối tác trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - thì áp lực đối với tài chính của các chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới.
Về luận điểm này, Erik Nielsen - Cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn UniCredit diễn giải: "Các cam kết về tài chính của ông Trump thực sự gây rắc rối - đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu - vì chúng có thể sẽ mở rộng đáng kể thâm hụt vốn đã quá mức trong khi đe dọa làm suy yếu các thể chế quan trọng". Ông Nielsen cũng cho rằng: Thị trường trái phiếu Mỹ đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do những thay đổi chính sách tiềm tàng, từ đó dẫn tới khả năng mất ổn định tài chính toàn cầu.
Một cách ngắn gọn, với "Nước Mỹ trên hết!", mọi đối tác của Mỹ đều đối diện kịch bản phải chi nhiều tiền hơn trên mọi lĩnh vực, do đó khó đạt được cân bằng tài chính hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, thuế nhập khẩu, bao gồm mức thuế quan phổ cập 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nước ngoài và thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, là một chính sách then chốt của ông Trump và có khả năng sẽ có tác động toàn cầu lớn nhất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hầu hết các quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu hiện nay đều có sự mở rộng "yếu ớt". Do đó, một tác động tiếp theo đối với thương mại toàn cầu có khả năng gây ra rủi ro sụt giảm đối với mức dự báo tăng trưởng GDP 3,2% của quỹ này cho năm tới.
Đặc biệt, đối với các thị trường mới nổi - vốn phụ thuộc vào các nguồn quỹ bằng USD, những sự kết hợp chính sách kinh tế khắc nghiệt của Chính phủ Mỹ sẽ khiến chi phí vay nợ trở nên đắt đỏ hơn, gây ra tác động kép lên lượng hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất. Tuy vậy, vẫn sẽ có những nền kinh tế được hưởng lợi - là những quốc gia được các thị trường khổng lồ như Trung Quốc lựa chọn, để thay thế cho các sản phẩm từ Mỹ. Thí dụ điển hình có thể kể tới chính là đậu nành của Brazil, quốc gia cùng trong nhóm BRICS. Hoặc, dĩ nhiên, các sản phẩm dầu khí của nước Nga.
Và biểu cảm của các nền chính trị
Một trong những diễn biến được giới quan sát quốc tế chờ đợi nhất, chính là phản ứng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau khi ông Donald Trump đắc cử. Và, không ngoài dự đoán, người đứng đầu chính quyền Ukraine đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng, rằng ông đánh giá cao "cam kết của Tổng thống Trump đối với cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” trong các vấn đề toàn cầu". "Đây chính xác là nguyên tắc có thể thực tế mang lại hòa bình công bằng ở Ukraine gần hơn", ông Zelensky viết, "Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện".
Đến lúc này, nước Mỹ vẫn đang là nhà nhà tài trợ quan trọng nhất đối với Ukraine về hỗ trợ quân sự và tài chính. Song, không nên nhầm lẫn, đó là chính sách đối ngoại mà chính quyền đương nhiệm theo đuổi, còn ông Donald Trump khẳng định sẽ thay đổi. Chưa kể, sự cố trong chuyến công du tới Mỹ hồi tháng 9 của ông Zelensky, nơi ông có những động thái "hớ hênh" về mặt ngoại giao (khiến đảng Cộng hòa cáo buộc ông can thiệp vào bầu cử Mỹ, ngắn gọn là thiên vị đảng Dân chủ) vẫn còn đang "nóng hổi". Hơn thế, các kế hoạch ngắn hạn mà ông ấp ủ thậm chí còn không thu hút được sự quan tâm của cả đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn các nhà lãnh đạo quốc gia châu Âu. Vậy thì...?
Trong khi đó, ở điểm nóng xung đột tiếp theo - Trung Đông, Israel lại đang tỏ ra hết sức phấn khích. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trên trang X: "Xin chúc mừng sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử! Sự trở lại mở ra một khởi đầu mới cho nước Mỹ và một cam kết mạnh mẽ đối với quan hệ đồng minh Israel - Mỹ". Tân Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ Tel Aviv, Israel Katz, thì tin tưởng rằng "Chúng ta sẽ cùng nhau mang các con tin trở về và đánh bại Iran".
Với Iran, hãng thông tấn Student News đưa tin Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, ông Ali Fadavi đã nói rằng Tehran sẵn sàng đối đầu với Israel và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu từ Mỹ và Israel. Thực tế, trong nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump đã dồn ép Iran bằng những phương thức trừng phạt khắc nghiệt, thậm chí còn đơn phương xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018.
Còn tại Thái Bình Dương, sau khi chúc mừng chiến thắng của ông Trump, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho rằng mối quan hệ đồng minh giữa hai nước bền vững, không thể lay chuyển và được thử thách qua nhiều thời kỳ sẽ tiếp thêm sức mạnh để đem lại thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á, cũng như cho cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Cùng lúc, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định Australia sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lựa chọn một phản ứng thận trọng, khi tuyên bố: "Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, và chúng tôi tôn trọng lựa chọn của người dân Mỹ". Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh từ chối trả lời các câu hỏi giả định (về mức thuế mà ông Trump dự định áp đặt với hàng hóa Trung Quốc). Nước Nga thậm chí còn "hờ hững" hơn, khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức "thấp nhất trong lịch sử". Điều này trái với động thái chúc mừng nồng nhiệt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng nhiều nhà lãnh đạo quan trọng khác, như Thủ tướng Anh Keir Starmer,
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hay Tổng Thư ký NATO Mark Rutte - người bày tỏ niềm tin rằng: Sự lãnh đạo của ông Trump một lần nữa sẽ là chìa khóa để duy trì sự vững mạnh của liên minh, đồng thời khẳng định NATO mong muốn được hợp tác với ông Trump một lần nữa để thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
Dường như, trong thế giới phương Tây, có một phức cảm đang dần lan tỏa. Một mặt, các nguyên thủ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhanh chóng gửi những bức điện chúc mừng tràn đầy tình thân. Nhưng, mặt khác, chỉ 12 tiếng sau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ấn định một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại Budapest (thủ đô Hungary), vào ngày 7 và 8/11, giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), để thảo luận những vấn đề chiến lược quan trọng, bao gồm quan hệ xuyên Đại Tây Dương, an ninh quốc tế và cách thức tăng cường năng lực cạnh tranh của EU.
Trong thư mời gửi các thành viên Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Charles Michel nêu rõ 3 vấn đề chính: quan hệ với Mỹ, an ninh và địa chính trị (đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine) và các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Theo ông, mối quan hệ với Mỹ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển chung của liên minh và các quốc gia thành viên cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy các ưu tiên trong khuôn khổ Kế hoạch chiến lược, hướng tới một châu Âu mạnh mẽ và có chủ quyền (vấn đề từng nổi cộm ở nhiệm kỳ trước mà ông Donald Trump là tổng thống). Vào thời điểm bài viết này lên khuôn, tất cả dường như đều vẫn chỉ là những động thái ngắn hạn, đáp ứng tình thế trước mắt. Bởi lẽ, xét cho cùng, xoay chuyển định hướng của cả một quốc gia hay một cộng đồng, nhằm thích ứng những biến động từ cường quốc số 1 thế giới, là chuyện cần nhiều thời gian cũng như những sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Có lẽ, cách tiếp cận của nước Nga, được biểu đạt qua đánh giá của Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Dmytri Medvedev trước thềm ngày nước Mỹ bầu cử: "Nếu đắc cử, ông Trump cũng vẫn sẽ phải tuân thủ nguyên tắc của cả hệ thống" là rất đáng suy ngẫm...
Ngày đăng: 14:18 | 12/11/2024
Đông Phong / antg.cand.com.vn