Năm 2022, thế giới chứng kiến nhiều biến động về tình hình địa chính trị, các thách thức từ xung đột vũ trang cũng như phục hồi sau đại dịch toàn cầu.
Đầu năm 2022, thế giới đón chào năm mới trong bối cảnh từng bước hồi phục hậu COVID-19. (Ảnh: Getty)
Quảng trường Thời đại ở New York. Khung cảnh khác rất nhiều so với năm 2021, khi các hạn chế chống dịch được áp dụng. Dù vậy, nhiều thành phố trên khắp thế giới vẫn giảm quy mô các sự kiện với tinh thần đón năm mới thận trọng. (Ảnh: AP)
Khai mạc Thế vận hội mùa đông Olympics Bắc Kinh 2022. Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên chủ trì cả thế vận hội mùa đông vào mùa hè. (Ảnh: Getty)
Trong khi đó, căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine tăng cao với sự hiện diện số lượng lớn của quân đội Nga. Moskva đưa ra yêu cầu được "đảm bảo an ninh" từ châu Âu, bao gồm việc Ukraine sẽ không tham gia NATO, và liên minh này cần giảm sự hiện diện ở Đông Âu, nhưng không được chấp nhận. (Ảnh: Maxar Technology)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moskva. Ông Macron hy vọng sẽ làm giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Sau các nỗ lực giảm căng thẳng bất thành, tháng 2/2022, Tổng thống Nga Putin công bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" nước này. Nga cũng công nhận hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass, miền Đông Ukraine. (Ảnh: AP)
Hình ảnh được văn phòng Tổng thống Ukraine công bố về các cuộc tấn công tại Kiev khi xung đột quân sự bắt đầu.
Chiến dịch quân sự của Nga kéo theo xung đột quân sự kéo dài nhiều tháng với Ukraine, với các cuộc tấn công dữ dội xảy ra ở nhiều nơi trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev. Cả Nga và Ukraine thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công vào mục tiêu dân sự hoặc gây thương vong dân sự. (Ảnh: AP)
Tổng thống Ukraine Zelensky tại một cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài. Xung đột tiếp tục trong tháng 3 với các nỗ lực đàm phán không đạt được nhiều kết quả. (Ảnh: Reuters)
Một người đàn ông Ukraine tạm biệt khi vợ con đi di tản. Ước tính từ khi giao tranh quân sự bắt đầu, hơn 5 triệu người Ukraine đã phải rời khỏi nhà. (Ảnh: CNN)
Các nước phương Tây lên án chiến dịch quân sự của Nga và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với Moskva. Trong khi đó, Kiev thúc đẩy quá trình xin gia nhập NATO. (Ảnh: AP)
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và toàn thế giới trầm trọng thêm khi mối quan hệ Nga - EU rạn nứt, Moskva "khóa vòi" nhiên liệu với các quốc gia không thân thiện. (Ảnh: Reuters)
Cùng với nhu cầu hậu đại dịch COVID-19 gia tăng, nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt, giá năng lượng tăng cao đến các mức kỷ lục.
Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát bao trùm toàn cầu, khi giá tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng mạnh. (Ảnh: CNBC)
Bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu nóng trở lại khi từ đầu năm, Bình Nhưỡng đã tiến hành hàng loạt các vụ thử vũ khí lớn nhỏ, trong đó có các vụ thử tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung. (Ảnh: KCNA)
Con gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu xuất hiện công khai trong tấm ảnh chụp cùng cha ở một địa điểm thử tên lửa. (Ảnh: KCNA)
Tháng 7/2022, người dân Nhật Bản sốc khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát. Ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản có thời gian tại vị lâu nhất tại nước này với 2.799 ngày liên tục, trong khoảng thời gian từ 2012-2020. Ông cũng là gương mặt nổi bật của Nhật Bản về ngoại giao và có các chính sách đáng chú ý như "Abenomic". (Ảnh: CNN)
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm 2022 tiếp tục căng thẳng trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là vấn đề Đài Loan. Tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan kể từ năm 1997. Chuyến đi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước này phát động các cuộc tập trận quân sự “chưa từng có” và các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở các khu vực biển xung quanh Đài Loan. (Ảnh: AP)
Tháng 9/2022, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96. Bà đã có 7 thập kỷ trị vì nước Anh cũng như lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung gồm 52 thành viên, đi qua nhiều thăng trầm của lịch sử thế giới.
Linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong tang lễ. (Ảnh: AP)
Tháng 10/2022, Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20, đưa ra nhiều quyết định quan trọng về bộ máy nhân sự, phương hướng phát triển trong các năm tới của nước này. Ông Tập Cận Bình (ở giữa) tái cử vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: THX)
Sau thời gian kiên trì áp dụng chính sách "không COVID", Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, đem đến tín hiệu tích cực cho các hoạt động thương mại.
Thế giới năm 2022 cũng hứng chịu nhiều thảm họa gây thương vong lớn về người và của. Cuối tháng 10/2022, sự cố dẫm đạp kinh hoàng tại một lễ hội Halloween ở Seoul, Hàn Quốc làm 151 người chết, trong đó phần lớn là những người trong độ tuổi ngoài 20.
Khu vực tưởng nhớ các nạn nhân ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: CNN)
Động đất tại Indonesia khiến gần 270 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Trận động đất gây ra khoảng 145 dư chấn và làm hư hại các cơ sở hạ tầng đường xá.
Tháng 11/2022, nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ gay cấn với sự cạnh tranh sát nút của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Cuộc bầu cử được xem như "trưng cầu dân ý" đối với hai năm đầu chính quyền của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: Euro News)
Hôm 30/11, Tân Hoa xã đưa tin cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời, hưởng thọ 96 tuổi. (Ảnh: Yahoo)
Theo Tân Hoa Xã, ông Giang Trạch Dân bị bệnh bạch cầu và suy đa tạng, dù được hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi. Ông là người có đóng góp lớn đối với sự phát triển thời kỳ đổi mới của Trung Quốc. (Ảnh: THX)
Cuối năm 2022, dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người, tăng 1 tỷ người chỉ trong vòng 13 năm. Trong đó, Ấn Độ có khả năng vượt qua Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2023.
Ngày đăng: 15:53 | 15/12/2022
Phương Anh / VTC News