Tại Việt Nam, xăng E5 sẽ được dùng phổ biến từ 1.1.2018. Ở nhiều nước trên thế giới, loại xăng phổ biến được dùng là E10.
Mua xăng sinh học E5 tại cửa hàng xăng dầu trên quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Xăng sinh học là loại nhiên liệu được tạo ra bằng cách pha trộn cồn sinh học ethanol khan với xăng thông thường. Trong đó, xăng E5 có 5% ethanol và 95% xăng thông thường, còn xăng E10 có 10% ethanol. Xăng sinh học có các tỷ lệ từ E5 đến 85 - hỗn hợp ethanol cao. Còn E100 là ethanol nguyên chất sau khi sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương rất quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi này, do đó đến ngày 1.1.2018, xăng E5 sẽ kinh doanh đại trà, thay thế toàn bộ xăng RON 92.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.
E5, E10 được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ nhiều năm trước. Một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…
Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ mía để phối trộn vào xăng thông thường với tỷ lệ lên đến 20%.
Mỹ sử dụng xăng pha cồn từ năm 1976, sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973. Hiện nay, Mỹ đang sử dụng xăng sinh học E10. Cuối năm 2010, hơn 90% tổng lượng xăng bán ra ở Mỹ được pha trộn với ethanol, ngoài ra, nhiều ôtô hạng sang đang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học E100.
Châu Âu đã quy định bắt buộc áp dụng E5, dự kiến đến năm 2020 áp dụng xăng E10.
Trung Quốc là quốc gia có lưu lượng phương tiện rất đông, lượng khí thải từ ôtô, xe máy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí nước này. Chính vì vậy, Trung Quốc đặt mục tiêu đưa xăng sinh học chiếm ít nhất 10% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2020. Các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, An Huy, Hà Nam yêu cầu sử dụng 10% tổng lượng tiêu thụ bằng nhiên liệu sinh học.
Năm 2016, Ấn Độ cũng đưa xăng sinh học E10 vào sử dụng. Nước này đặt mục tiêu đưa xăng sinh học vào chiếm 20% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2017.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Nếu như Philippines đưa Luật Nhiên liệu sinh học vào năm 2006 quy định bắt buộc dùng xăng sinh học E5 từ năm 2009 và E10 từ năm 2011, thì Thái Lan cũng sử dụng xăng E5 từ năm 2005 và từ năm 2008 đã bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ xăng E10.
Việc đưa xăng E5 sử dụng đại trà ở Việt Nam là phù hợp với lộ trình sử dụng nhiên liệu trên thế giới. Thậm chí, Việt Nam còn hơi bị "tụt hậu" khi bây giờ mới triển khai đại trà xăng sinh học pha trộn ở cấp thấp nhất.
Xăng E5 thay thế A92: Hàng loạt băn khoăn trước giờ G Theo lộ trình, kể từ ngày 1.1.2018, xăng A92 sẽ bị “khai tử” để thay bằng xăng sinh học E5. Như vậy, sau hơn 2 ... |
Đổ xăng E5 chạy ôtô tiền tỷ: "Chúng ta không phải chuột bạch" Thực tế, xăng E5 đã được bán nhiều năm nay nhưng người dân vẫn quay lưng. Liệu số phận xăng E5 từ năm 2018 có ... |
Ngày đăng: 16:45 | 12/12/2017
/ Lao động