2017 là một năm đầy biến động khi các nhà lãnh đạo thế giới đối mặt với vai trò thay đổi của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và nhiều cuộc khủng hoảng.
Dưới ây là những sự kiện được đánh giá là nổi bật nhất trong năm vừa qua.
1. Năm đầu không yên ả của ông Trump
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ hôm 20-1, khởi đầu nhiệm kỳ bằng tranh cãi về số lượng người chứng kiến buổi lễ của ông. Những vụ việc lùm xùm kiểu như thế phủ bóng năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, bên cạnh sự ra đi của một loạt cố vấn, quan chức.
Về mặt đối ngoại, cam kết thực thi những chính sách "đặt nước Mỹ trên hết" khiến thế giới lo ngại. Bất chấp tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ thường ở mức thấp kỷ lục, những người ủng hộ ông nhiệt thành vẫn không bỏ đi.
Ông Donald Trump tại lễ nhậm chức hôm 20-1-201. Ảnh: Reuters
2. Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên dâng cao trong năm 2017, được thúc đẩy bởi vụ thử bom nhiệt hạch và một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Trong số này, tên lửa đạn đạn liên lục địa Hwasong-15 phóng thử hôm 29-11 được cho là có thể vươn đến toàn bộ lục địa Mỹ. Lầu Năm Góc buộc phải lên tiếng trấn an rằng tên lửa này không đe dọa đến lãnh thổ Mỹ và các đồng minh.
Căng thẳng còn leo thang sau khi hai bên thường xuyên đưa ra những lời lẽ chỉ trích và đe dọa lẫn nhau, nổi bật là lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" của ông Trump.
Vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15 hôm 29-11 Ảnh: KCNA
3. IS mất gần hết lãnh thổ
Năm 2017 chứng kiến đà xuống dốc không phanh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi bọn chúng mất 2 thành trì hàng đầu – TP Mosul ở Iraq và TP Raqqa ở Syria – trong những chiến dịch quân sự dài hơi.
Những thất bại liên tiếp khiến IS hầu như không còn chiếm giữ lãnh thổ ở Syria và Iraq nhưng những chi nhánh của chúng vẫn tiếp tục hoạt động, nhất là tại Ai Cập và Afghanistan. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền trên mạng của IS thúc đẩy một số kẻ âm mưu hoặc ra tay tấn công ở châu Âu, Mỹ và Trung Đông.
Các tay súng người Kurd tham chiến tại TP Raqqa – Syria hôm 3-7 Ảnh: Reuters
4. Khủng bố, xả súng khắp thế giới
Vụ khủng bố lớn đầu tiên trong năm 2017 xảy ra ngay trong ngày đầu năm – một tay súng bắn chết 39 người tại một hộp đêm ở TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ đó, thế giới chứng kiến không ít vụ tấn công đẫm máu ở châu Âu (như vụ đánh bom buổi hòa nhạc của ca sĩ Ariana Grande ở Anh vào tháng 5), châu Phi (vụ đánh bom xe tải làm hơn 500 người thiệt mạng ở Somalia vào tháng 10, vụ tấn công đền thờ tại Ai Cập, khiến hơn 300 người thiệt mạng hồi tháng 11…).
Riêng nước Mỹ chứng kiến vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử hiện đại hôm 1-10, khiến 58 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Hiện trường vụ đánh bom xe tải ở thủ đô Mogadishu – Somalia hôm 14-10 Ảnh: Reuters
5. Bão to, lũ lớn
Chỉ trong vòng 4 tuần (từ 25-8 đến 20-9), 3 siêu bão Harvey, Irma, Maria tàn phá 2 bang Texas, Florida và lãnh thổ Puerto Rico (đều của Mỹ) và nhiều hòn đảo Caribbean. Thiên tai dồn dập khiến hàng trăm người thiệt mạng trong lúc thiệt hại kinh tế ước tính lên đến vài trăm tỉ USD.
Kinh hoàng hơn là các trận lở đất ở thủ đô Freetown – Sierra Leone hôm 14-8, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Lở đất và lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Sierra Leone Ảnh: AP
6. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thiếu Mỹ
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gặp thêm thách thức sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, nhường sự lãnh đạo lại cho phần còn lại của thế giới. Dù vậy, sự rút lui của Mỹ không làm các nước khác chùn bước.
Tại một hội nghị ở TP Bonn – Đức hồi tháng 11 qua, các nước tham gia cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận. Riêng Trung Quốc trong tháng 12 công bố một kế hoạch cắt giảm khí thải đầy tham vọng.
Giới khoa học hiện chưa đạt sự đồng thuận về việc liệu biến đổi khí hậu có khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn hay không, trong đó có một loạt cơn bão tàn phá Mỹ và các nước vùng Caribbean năm nay. Dù vậy, sự xuất hiện dồn dập của các cơn bão mạnh dẫn đến lời kêu gọi ưu tiên giải quyết vấn đề khí thải.
Ngoài ra, cơ quan thời tiết và khí tượng Liên Hiệp Quốc cho biết 2017 đang trên đường trở thành 1 trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Bão Harvey gây ngập lụt tại ngoại ô TP Houston - Mỹ. Ảnh: Reuters
7. Trung Đông thêm bất ổn
Năm 2017 chứng kiến sự cạnh tranh giữa Ả Rập Saudi và Iran lên tầm cao mới, được thúc đẩy bởi lập trường "hiếu chiến" hơn của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman. Nước Mỹ dưới thời ông Trump tỏ ra gần gũi hơn với Riyadh và ưu tiên đối đầu với Tehran.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi đứng đầu chiến dịch chống nhóm phiến quân Houthi ở Yemen, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ với hàng triệu người cần được viện trợ khẩn cấp, và cuộc phong tỏa Qatar. Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khiến khu vực thêm hỗn loạn khi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Một em bé suy dinh dưỡng được điều trị tại thủ đô Sana’a – Yemen hôm 15-11. Ảnh: EPA
8. Trung Quốc có ban lãnh đạo mới
2017 là một năm ấn tượng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông khởi đầu năm bằng phát biểu bảo vệ toàn cầu hóa tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos – Thụy Sĩ và khép lại bằng việc được bầu lại làm Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Ban lãnh đạo mới của CPC cũng được công bố, có nhiệm vụ đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh vào giữa thế kỷ này.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 ra mắt sáng 25-10. Từ trái sang: Các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Ảnh: Tân Hoa Xã
Kinh tế toàn cầu năm 2017 qua các biểu đồ
Năm 2017 ghi dấu ấn các kỷ lục của thị trường chứng khoán, những đợt nâng lãi của ngân hàng trung ương và biến động ... |
Nhật ký 1 năm thế giới \'sống chung với Tổng thống Trump\'
Nếu ai đấy ghi chú lại thế giới năm 2017 trên một cuốn lịch, cuốn lịch ắt sẽ đầy những vòng tròn đỏ đánh dấu ... |
Ngày đăng: 18:00 | 30/12/2017
/ nld.com.vn