Cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo G7 được xem như là một thông điệp cho thấy không chỉ các quốc gia này mà cả thế giới đang tìm tiếng nói cũng như biện pháp chung để dốc toàn lực đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) - đang tham gia Hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 để thống nhất ứng phó với đại dịch Covid-19
Thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng thấy
Trong Hội nghị trực tuyến đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì ngày 16-3, nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã nhất trí về nhu cầu triển khai những biện pháp đủ mạnh để đối phó với tác động kinh tế nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Là một trong những người đứng đầu Chính phủ tham dự hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, lãnh đạo G7 đã nhất trí cùng phối hợp để hướng tới việc phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) gây ra.
Không thông tin chi tiết những thỏa thuận đạt được tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản chỉ cho biết thêm rằng, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí huy động các chính sách tài chính, kinh tế để đối phó với tác động kinh tế nghiêm trọng tiềm ẩn từ tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Trong tín hiệu thể hiện những biện pháp mạnh mẽ của G7, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo G7 về việc tổ chức Olympic và Paralympics Tokyo 2020 “theo hình thức đầy đủ” để chứng minh rằng “nhân loại có thể đánh bại” loại virus đang lây lan dữ dội này.
Cho dù hiện chưa rõ các quốc gia G7 sẽ hợp tác thế nào để ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện đã trở thành một thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng chưa từng thấy với thế giới. Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chỉ trong thời gian ngắn 3 tháng qua đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống trên thế giới, không chỉ khiến 7.000 người tử vong mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, tới đi lại, học hành…
Theo thống kê mới nhất, tính tới ngày 17-3, đại dịch Covid-19 đã khiến trên 184.000 người tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó gần 7.200 người tử vong. Đã gây ra tổn thất lớn về sinh mạng và sức khỏe của người dân hơn 3/4 quốc gia và và vùng lãnh thổ toàn thế giới, song đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với thêm hàng nghìn trường hợp mắc bệnh mới và hàng trăm trường hợp tử vong mỗi ngày.
Hiện chưa thể lượng định chính xác đại dịch Covid-19 gây thiệt hại thế nào cho nền kinh tế thế giới cũng như các quốc gia. Tuy nhiên, nhìn vào các biện pháp buộc phải áp dụng để phòng chống dịch bệnh như phong tỏa các thành phố hàng chục triệu dân, thậm chí có quốc gia tạm “đóng cửa” biên giới với công dân nước ngoài, cấm nhập cảnh với người nước ngoài từ vùng dịch, ngừng bay, giao lưu… cũng có thể thấy sự đảo lộn cũng như thiệt hại kinh tế lớn tới đâu.
Trong nhận định đưa ra ngày 4-3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra “nguy cơ nghiêm trọng” và sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống thấp hơn mức 2,9% của năm trước. Tuy nhiên, đánh giá này vào thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát dữ dội tại châu Âu và Mỹ đã không còn phù hợp, tác động và thiệt hại cho toàn thế giới chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu thế giới không sớm khống chế, đẩy lui dịch bệnh này.
Hợp tác cùng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn
Đại dịch Covid-19 là một thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng thấy mà thế giới phải đối mặt. Thế nên, thế giới đã chưa thể đánh giá hết mức độ nghiêm trọng khi đại dịch mới bùng phát, còn chủ quan và trở nên lúng túng khi thách thức an ninh phi truyền thống này phát triển quá nhanh và chính những điều này làm cho đại dịch Covid-19 thêm trầm trọng.
Đã có những ý kiến cho rằng toàn cầu ban đầu đã “lạc điệu” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi mới xuất hiện và hoành hành tại quốc gia tâm dịch và cũng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Các quốc gia, nhất là các cường quốc hàng đầu thế giới đã thiếu bàn thảo, hợp tác, phối hợp để đưa ra ứng phó chung tầm mức toàn cầu với dịch bệnh, có những quốc gia còn thờ ơ, xem nhẹ khi dịch mới hoành hành ở Trung Quốc và châu Á.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước hợp tác cùng nhau nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Ông cho rằng virus đã “lây nhiễm vào nền kinh tế thế giới” và đại dịch Covid-19 đã tạo ra một “nguy cơ thực sự và ngày càng gia tăng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu”. Chính vì thế, người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh này cho rằng, không một quốc gia nào có thể đối mặt một mình với đại dịch và hơn bao giờ hết, chính phủ các nước phải hợp tác để hồi sinh các nền kinh tế, mở rộng đầu tư công, thúc đẩy thương mại và đảm bảo sự hỗ trợ cho người dân cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, việc các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như G7 lần đầu tiên tổ chức một hội nghị nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 được trông đợi về một sự thay đổi quan trọng trong việc ứng phó với mối đe dọa của thách thức an ninh phi truyền thống với toàn cầu. Tuy nhiên, sự hợp tác chung của một nhóm nước như G7 là chưa đủ khi đại dịch Covid-19 đã lây lan tới hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cần một sự hợp tác cùng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn với sự tham gia của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mới tạo ra sức mạnh đủ để đánh bại đại dịch Covid-19. Điều mà theo Thủ tướng Nhật Bản là cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, trong đó cam kết dốc toàn lực để đối phó với đại dịch Covid-19, một thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng chưa từng thấy với cả thế giới.
Hơn 180.000 người nhiễm nCoV toàn cầu
Số người nhiễm nCoV trên toàn cầu tăng lên 182.383, trong đó 7.144 trường hợp đã tử vong và 78.342 người hồi phục. |
Kinh tế Việt Nam và thế giới dưới bóng ma Covid-19
Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới dưới bóng ma Covid-19 đè nặng và những dự báo u ám dài hạn. |
Chống "giặc" Covid-19: Cần một thế giới phải đồng lòng và chung tay
Việc dịch Covid-19 lây lan nhanh và phức tạp tại các quốc gia châu Âu, Mỹ đã khiến cho việc phòng chống đại dịch trên ... |
Ngày đăng: 08:36 | 18/03/2020
/ anninhthudo.vn