Vì sao công ty vàng lớn nhất Trung Quốc thế chấp 83 tấn vàng giả để vay gần 3 tỉ USD có thể lọt qua các khâu giám sát, dẫn đến một trong những vụ lừa đảo cho vay lớn nhất Trung Quốc?
Vụ bê bối liên quan đến Kingold Jewelry - một trong những công ty sản xuất vàng trang sức lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Vũ Hán và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán NASDAQ - đã gây xôn xao dư luận, các cộng đồng doanh nghiệp và giới chức ngân hàng.
Kingold Jewelry bị cáo buộc đã sử dụng 83 tấn vàng giả (đồng mạ vàng) làm tài sản thế chấp cho khoản vay 20 tỉ nhân dân tệ (2,83 tỉ USD) từ các công ty cho vay.
Nghi án lừa đảo bị đưa ra ánh sáng vào đầu năm nay khi một công ty cho vay tiến hành thanh lý tài sản thế chấp của Kingold đã tá hoả khi phát hiện các thỏi vàng thế chấp hóa ra là hợp kim đồng mạ vàng.
Tờ Tài Tân mô tả đây là một trong những vụ lừa đảo cho vay lớn nhất ở Trung Quốc từ trước đến nay.
83 tấn vàng (giả) tương đương khoảng 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc trong năm 2019, tức khoảng 4,75 tỉ USD theo giá vàng tăng trên thị trường thế giới hiện nay.
Theo Tài Tân, Kingold Jewelry đã bác bỏ mọi hành vi sai trái, nói rằng không hề có bất cứ hoạt động giao dịch nào liên quan đến những cáo buộc trên. Công ty đồng thời từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Ai là người cho vay lớn nhất của Kingold?
Theo SCMP, Kingold Jewelry cho biết vào ngày 14.5 rằng họ sẽ công bố báo cáo hàng năm của công ty trước ngày 29.6, với lý do dịch COVID-19 làm chậm tiến độ. Tuy nhiên hiện các báo cáo vẫn chưa được công bố.
Dựa trên bảng cân đối kế toán chưa được kiểm toán gần đây nhất vào ngày 30.9.2019, Kingold đang nợ khoản tiền lên đến 1.42 tỉ USD của 13 công ty cho vay.
Minsheng Trust cho vay nhiều nhất với 574,4 triệu USD. Theo sau là Sichuan Trust (210,1 triệu USD), Anxin Trust (210,1 triệu USD), Dongguan Trust (140,1 triệu USD) và Chang\'An Trust (112,3 triệu USD).
Khoản tiền mặt và nợ dài hạn ước tính lần lượt là 651.318 USD và 154.098 USD.
Công ty hiện có 6.265kg vàng 9999, ước tính giá thị trường khoảng 267,2 triệu USD để dùng cho các khoản vay dài hạn, bao gồm khoản vay 70 triệu USD của công ty sinh học Vũ Hán Kangbo - một công ty được quản lý bởi CEO đồng thời là nhà sáng lập Kingold. Các khoản đầu tư còn lại gồm 54.401kg vàng, trị giá 2,32 tỉ USD được phân loại là tài sản lưu động.
Tuy nhiên khả năng cao số liệu đã thay đổi ít nhiều sau bản báo cáo tài chính nói trên.
Vàng thỏi của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Vàng có thường xuyên được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ở Trung Quốc?
Bất động sản và cổ phiếu giao dịch công khai là tài sản phổ biến dễ dàng được chấp nhận làm tài sản thế chấp của các tổ chức tài chính Trung Quốc. Kim loại quý như bạc, vàng hoặc bạch kim hiếm khi được sử dụng.
Một số ngân hàng không chấp nhận vàng miếng hoặc thỏi làm tài sản thế chấp, bởi chúng có thể được đem ra giao dịch trên sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi Kingold là thành viên. Chủ sở hữu được yêu cầu lưu trữ các thỏi vàng tại kho của sàn giao dịch trước, nếu họ có kế hoạch đem chúng ra giao dịch.
Làm thế nào ngân hàng xác định tài sản thế chấp là vàng thật?
Vàng miếng hay vàng thỏi được cho là phải đem đi thử trước khi chuyển đến các kho được chỉ định. Quá trình thử vàng - thường được thực hiện bởi một đơn vị do chính phủ cấp phép - nhằm đảm bảo những thỏi vàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và hàm lượng vàng.
Có khoảng hơn một chục đơn vị như vậy ở Trung Quốc. Trung tâm giám sát và kiểm tra chất lượng trang sức quốc gia được chứng nhận bởi Tổng cục giám sát, kiểm tra và kiểm dịch chất lượng để thực hiện việc thử vàng và đá quý.
Theo báo cáo của Tài Tân, những "thỏi vàng" của Kingold được giám định bởi các nhà cho vay cũng như công ty bảo hiểm PICC Property & Casualty của nhà nước.
Báo cáo cho biết thêm, các tài sản của Kingold, cũng được cho là đã được kiểm tra bởi văn phòng khảo nghiệm tỉnh Hồ Bắc và trung tâm chứng nhận đá quý của Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc tại Vũ Hán.
Liệu đã có trường hợp gian lận tương tự tại Trung Quốc?
Vao tháng 6.2014, một công ty kinh doanh kim loại tư nhân có tên Decheng Mining bị cáo buộc đã sao chép chứng nhận cho số lượng đồng và nhôm được lưu trữ trong kho tại thành phố Thanh Đảo và dùng số tài sản ấy làm vật thế chấp để vay tiền ngân hàng, theo báo cáo công khai của cảnh sát địa phương và tòa án trung cấp thành phố.
Vụ lừa đảo ước tính gây thiệt hại khoảng 3 tỉ USD cho một số ngân hàng Trung Quốc và các tổ chức tài chính nước ngoài, bao gồm Citigroup và Standard Chartered, các nhà giao dịch như Mercuria cũng bị liên luỵ, theo tài liệu của toà án.
Các sản phẩm thép được chấp nhận làm tài sản thế chấp từ năm 2009 đến 2013 khi nền kinh tế Trung Quốc lạm phát sau gói kích thích hạ tầng 4 nghìn tỉ nhân dân tệ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong những năm đó, các thương nhân thép đã được các nhân viên thẩm định cho vay nói rằng, họ có thể chuyển một lô sản phẩm thép đã được thế chấp sang một kho khác và sử dụng chính lô đấy làm tài sản thế chấp cho một khoản vay khác.
Nguồn gốc của Kingold
Kingold được thành lập vào năm 2002 bởi chính chủ tịch và giám đốc điều hành Jia Zhihong. Hiện Kingold là công ty vàng lớn nhất tỉnh Hồ Bắc. Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ nhờ quy trình "cửa sau".
Vào tháng 12.2009, Activeworlds Corp đã mua lại một công ty có tên Vũ Hán Vogue-Show Jewelry với thoả thuận sẽ nhận 95,8% lợi nhuận từ Vũ Hán Kingold. Activeworlds chính thức đổi tên thành Kingold Jewelry vào tháng 2.2010.
Giám đốc công ty có mối quan hệ tốt với chính quyền và doanh nghiệp địa phương. Công ty phân phối sản phẩm trực tiếp cho các nhà bán lẻ lẫn các nhà phân phối trên khắp Trung Quốc.
Trong báo cáo mới nhất, Kingold đã lỗ 24 triệu USD trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến 30.9.2019, so với 13,2 triệu USD lợi nhuận một năm trước đó. Doanh thu giảm 39% xuống còn 383 triệu USD trong quý này. Giám đốc tài chính Bin Liu nghỉ việc từ ngày 1.6, thay thế là quyền giám đốc tài chính Yi Huang.
Bị kết án gian lận trong các vụ tương tự ở Trung Quốc bị xử phạt thế nào?
Vụ việc tại Kingold có thể là vụ bê bối cho vay lớn nhất Trung Quốc, xét theo giá trị tài sản. Một vụ việc tương tự với quy mô nhỏ hơn, Jiangsu Shente Steel Group bị phát hiện làm sai lệch chứng nhận của các sản phẩm thép từ năm 2013 đến 2014 để lừa đảo 5 ngân hàng vay số tiền lên đến 4.5 tỉ nhân dân tệ (640.000 USD).
Giám đốc tài chính của công ty Gu Shiying bị một tòa án trung cấp ở tỉnh An Huy kết án 3 năm tù rưỡi vào đầu năm nay. Gu cũng bị phạt 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD).
Ngọc Vân
Thế giới biến động, USD giảm sâu, vàng vượt xa 50 triệu/lượng
Giá vàng tăng vọt và lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước biến động theo thế giới và được dự báo ... |
Hải quan Ấn Độ tịch thu 30kg vàng "vô chủ" trong hành lý ngoại giao
Hải quan Ấn Độ tịch thu 30kg vàng trong hành lý ngoại giao gửi cho địa chỉ người nhận là nhân viên Tổng lãnh sự ... |
Ngày đăng: 14:05 | 08/07/2020
/ laodong.vn